Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 648 triệu USD, bằng 75,41% kế hoạch, tăng 6,39% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo đạt hơn 222 triệu USD, tăng 59,48%; hải sản trên 171 triệu USD, giảm 17,86%; giày da hơn 145 triệu USD, tăng 13,51% so với cùng kỳ...
Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang đạt khoảng 36.292 tỷ đồng, bằng 75,32% kế hoạch, tăng 10,63% so với cùng kỳ năm 2022. So với cùng kỳ, công nghiệp khai khoáng đạt hơn 304 tỷ đồng, tăng 13,39%; công nghiệp chế biến, chế tạo trên 34.621 tỷ đồng tăng 10,78%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt hơn 770 tỷ đồng, tăng 19,89%...
Lãnh đạo Sở Công Thương Kiên Giang nhận định, từ đầu năm đến nay, tỉnh triển khai nhiều giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; một số chính sách, chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục phát huy giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, phục hồi sản xuất. Mặt khác, doanh nghiệp đã đưa ra biện pháp kinh doanh phù hợp, cùng với tình hình thị trường cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định, sức mua của người tiêu dùng tăng khá, lượng đơn đặt hàng được duy trì… góp phần cho giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp và ngoại thương vẫn còn nhiều bất lợi do những yếu tố khách quan tác động. Tình trạng lạm phát ở mức cao tại nhiều quốc gia, bất ổn chính trị một số nước khiến nhu cầu tiêu dùng giảm; chuỗi cung ứng nguyên liệu bị thiếu hụt cục bộ, tăng giá cao, doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất… đã ảnh hưởng bất lợi lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.
Tỉnh khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh tại một số doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng đầu tư sản xuất, nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm hàng hóa, ổn định công nhân lao động và mở rộng thị trường. Đồng thời, rà soát việc triển khai và tiến độ đầu tư của dự án công nghiệp trọng điểm, kế hoạch về phát triển, phục hồi sản xuất công nghiệp. Qua đó, đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập cho lĩnh vực kinh tế công nghiệp...
Dự báo, trong quý IV/2023, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới tăng cao trong các dịp lễ, tết sắp đến. Đây là yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đáp ứng đơn hàng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn và thách thức từ tác động của bối cảnh quốc tế và trong nước.
Mặc dù dự báo còn nhiều những khó khăn, thách thức, bất lợi tác động đến hoạt động sản xuất công nghiệp và ngoại thương, nhưng tỉnh Kiên Giang quyết liệt, nỗ lực thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Lâm Huỳnh Nhân cho biết, tỉnh đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp quý IV đạt hơn 12.715 tỷ đồng để năm 2023 đạt trên 49.000 tỷ đồng, đạt 101,72% kế hoạch và tăng 10,01% so với cùng kỳ. Cùng đó, kim ngạch xuất khẩu hơn 211 triệu USD để năm 2023 đạt 860 triệu USD, đạt 100% kế hoạch và tăng 7,23% so với cùng kỳ.
Ngoài việc thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tỉnh đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương cùng với các sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động, chương trình kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, hội nghị giao thương... trong và ngoài nước. Đặc biệt, tham gia Sàn Thương mại điện tử Kiên Giang (Kigi.com.vn) và hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành trong cả nước để giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh.
Ngành chức năng tỉnh tích cực thông tin, phổ biến các quy định pháp luật về Hội nhập kinh tế quốc tế, nội dung các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các điều kiện xuất nhập khẩu của các nước, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước do Bộ Công Thương tổ chức, nhằm giúp doanh nghiệp khai thác, tận dụng những cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP và RCEP, mở rộng thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá.