Chia sẻ về tiềm năng phát triển du lịch Kiên Giang, bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là nơi giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền trên cả nước, chính sự đặc biệt này đã tạo nên một bản sắc văn hóa Kiên Giang vô cùng đa dạng, phong phú, là một sức hút mạnh mẽ với những du khách cả trong nước lẫn nước ngoài. Vì vậy, ước tính 8 tháng đầu năm, Kiên Giang đón 6,8 triệu lượt khách du lịch, đạt 82 % so với kế hoạch; trong đó khách quốc tế ước đạt 468.354 lượt khách, vượt 34% so với kế hoạch, tăng 364,4% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch ước 13.604 tỷ đồng, vượt 5% so với kế hoạch, tăng 98% so với cùng kỳ. Hiện nay, Kiên Giang có 940 cơ sở lưu trú với hơn 33.000 phòng đang hoạt động, đảm bảo đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng khi đến đây.
Để đạt được những kết quả tích cực trên, theo bà Quảng Xuân Lụa, sự quan tâm đồng hành, đầu tư của các doanh nghiệp du lịch đối với tỉnh đặc biệt quan trọng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của các sản phẩm du lịch như: du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, công viên động vật hoang dã, tham quan mua sắm tại các cửa hàng ngọc trai, trải nghiệm công viên chuyên đề như: Cáp treo Hòn Thơm, Chợ đêm Phú Quốc, Công viên lặn ngắm san hô, Safari, United Center…
Theo bà Quảng Xuân Lụa, để thu hút du khách, sắp tới tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư, tăng cường xúc tiến đầu tư, kết nối đối tác, kêu gọi đầu tư của tỉnh đến nhà đầu tư trong và ngoài nước; tuyên truyền xúc tiến đầu tư và xây dựng thương hiệu du lịch, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, liên kết vùng; phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường...
Tương tự, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam cho biết, vừa qua tỉnh Kiên Giang đã khá chủ động khi kết nối thị trường du lịch với các tỉnh, thành trong và ngoài nước để đưa Kiên Giang đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước. Gần đây, Kiên Giang cũng đầu tư khá nhiều để xây dựng các công trình du lịch hiện đại để xứng tầm là điểm du lịch lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến quảng bá kết nối du lịch của tỉnh cần đẩy mạnh hơn để có dòng khách ổn định và chất lượng. Trong đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần chủ động hơn trên cơ sở nền tảng sản phẩm du lịch Kiên Giang để có thể nắm bắt được xu hướng gắn kết thị trường trong và ngoài nước.
"Sự chủ động của doanh nghiệp vô cùng quan trọng, bởi mỗi doanh nghiệp cần có một chương trình quảng bá, tiếp thị sản phẩm theo định hướng của mình để lan tỏa điểm đến của địa phương. Ở đó, khi sản phẩm du lịch càng tỏa sáng thì điểm đến Kiên Giang càng mạnh. Sắp tới, với nhiều điều kiện cần thiết về cả hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật và quyết tâm lãnh đạo, tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Kiên Giang. Các đơn vị, quản lý, doanh nghiệp càng liên kết với nhau hơn thì hiệu quả du lịch càng cao. Một điểm đến có khách không thể tự nhiên mà có, tất cả phải do chúng ta cùng chung tay dày công xây dựng trong vài năm và kết nối với nhau nhiều hơn, áp dụng công nghệ hiện đại... có như vậy mới đưa ngành du lịch phát triển nhanh hơn", ông Hà Văn Siêu cho biết thêm.
Là địa phương đưa nhiều du khách đến Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, thế mạnh của tỉnh Kiên Giang với điểm nhấn là đảo Phú Quốc - một điểm đến có sức hút mạnh mẽ ở trong nước và quốc tế. Vì vậy, để thu hút du khách, Kiên Giang cần xây dựng các chương trình kích cầu du lịch vào cả những ngày thường để tránh quá tải vào những ngày cuối tuần như tổ chức các chương trình, sự kiện, lễ hội du lịch thường niên; tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo riêng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch...