Kiên Giang: Đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho shipper

Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang vừa đề nghị Sở Y tế trình Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 168 người giao hàng (shipper).

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho các đối tượng ưu tiên. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, tỉnh Kiên Giang vẫn đảm bảo việc cung cấp, phân phối và tiêu thụ hàng hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập trong thực hiện thủ tục kiểm soát và một số quy định khác trong cung cấp, phân phối.

Để không gián đoạn chuỗi phân phối hàng hóa, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh được thông suốt, Sở Công Thương vừa đề nghị Sở Y tế trình Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 168 người giao hàng (shipper) của 8 siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh (trong đó có 16 người tiêm mũi 1; 152 người tiêm mũi 2).

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang, Sở đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, lập danh sách ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 ở các chợ, cơ sở kinh doanh xăng dầu… trên địa bàn quản lý, gửi Sở Y tế để tổ chức tiêm vaccine.

Hiện nay, riêng địa bàn thành phố Rạch Giá có 18 siêu thị, trung tâm thương mại; 2 hệ thống cửa hàng tiện lợi; 22 cơ sở chế biến, phân phối lương thực và trên 500 cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ.

Đến đầu tháng 9/2021, các doanh nghiệp trên địa bàn tình dự trữ trên 70.000 tấn gạo, hệ thống phân phối tăng mức dự trữ phục vụ người dân từ 15 - 30 ngày. Tại chợ truyền thống, tiểu thương chủ động tăng lượng hàng hóa dự trữ. Tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh được đảm bảo dù giá các mặt hàng có tăng so với bình thường từ 5 - 20%.

Cần Thơ: Lấy mẫu xét nghiệm toàn dân

Chú thích ảnh
Lực lượng y tế thành phố Cần Thơ tiếp tục truy vết, lấy mẫu xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, sớm làm sạch địa bàn. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Từ ngày 8 - 18/9, Cần Thơ tiếp tục triển khai chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm toàn dân trên địa bàn toàn thành phố nhằm tầm soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, sớm đưa thành phố về trạng thái bình thường mới. Đây là lần thứ hai thành phố Cần Thơ triển khai lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng toàn thành phố.

Theo đó, 4 quận, huyện có nguy cơ rất cao là Bình Thủy, Cái Răng, Ninh Kiều và Thốt Nốt sẽ tổ chức xét nghiệm lấy mẫu đơn test nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp tại nhà ở, hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần. Các quận còn lại (Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Thới Lai, Ô Môn và Cờ Đỏ) tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 1 lần và lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp tại nhà ở, hộ gia đình.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường yêu cầu các địa phương trong thời gian thực hiện giãn cách lần này (từ ngày 8 - 18/9) dồn toàn lực tổ chức xét nghiệm toàn dân, có phân công nhiệm vụ rõ ràng, tuyệt đối không để tạo ra nguồn lây mới. Quận, huyện phải tổ chức chặt chẽ, đảm bảo an toàn trong quá trình lấy mẫu, không để sót người dân không được lấy mẫu.

Hiện trên địa bàn thành phố có 8 cơ sở xét nghiệm khẳng định và 33 cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm nhanh sàng lọc SARS-CoV-2. Theo báo cáo nhanh từ Sở Y tế, trong ngày, thành phố Cần Thơ đã thực hiện xét nghiệm test nhanh cho 2.120 người và xét nghiệm PCR cho 7.797 người.

Trong ngày 8/9, Cần Thơ ghi nhận thêm 80 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 39 trường hợp ngoài cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Cần Thơ từ ngày 8/7 đến nay là 4.662 ca; trong đó có 3.684 trường hợp đã được điều trị khỏi và 69 trường hợp tử vong.

Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố cho biết, dịch COVID-19 ở Cần Thơ vẫn nằm ở mức nguy cơ rất cao. Thành phố chưa đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh.

Trước đó, từ ngày 9/8 - 17/8, Cần Thơ lần đầu triển khai chiến dịch xét nghiệm COVID-19 cộng đồng toàn thành phố, với 320 Đội lấy mẫu và xét nghiệm nhanh COVID-19 cộng đồng khoảng 900.000 mẫu. Tiếp đó, từ ngày 20/8 - 25/8, Cần Thơ triển khai lấy mẫu xét nghiệm trọng điểm ở những khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và nguy cơ.

Lê Sen - Thu Hiền (TTXVN)
Thanh Hóa: Di chuyển gần 500 người ra khỏi Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực
Thanh Hóa: Di chuyển gần 500 người ra khỏi Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực

Do tính chất phức tạp của ổ dịch COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (tỉnh Thanh Hóa), trong chiều 8/9, Bệnh viện này đã phối hợp với lực lượng chức năng di chuyển gần 500 người (gồm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế) ra khỏi khu vực phong tỏa của bệnh viện để giãn cách, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo, triển khai hiệu quả các giải pháp khống chế dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN