Nhiều hợp tác xã (HTX) của các tổ chức, cá nhân, thành phần dân tộc trên địa bàn tỉnh được thành lập và có sự phát triển đáng kể, đảm bảo quy mô và hiệu quả hoạt động. Trong đó, các HTX kiểu mới dần định hình, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn
HTX mây, tre đan xóm Bui (xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn) được thành lập năm 2020, với 25 thành viên là hội viên Hội Phụ nữ. Sau hai năm, HTX đã hoạt động có hiệu quả, các sản phẩm mây tre đan làm thủ công, đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo, được thị trường ưa chuộng, nhận được nhiều đơn hàng từ các tỉnh, thành phố và xuất khẩu đi nước ngoài. Nhờ đó, tạo việc làm ổn định cho khoảng 150 thành viên, với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng và hơn 200 lao động thời vụ tại địa phương, với thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, HTX còn phối hợp với Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức đào tạo nghề cho phụ nữ các xã: Vũ Lâm, Yên Phú, Văn Sơn và thị trấn Vụ Bản, từng bước góp phần mở rộng vùng sản xuất nghề mây tre đan ra toàn huyện Lạc Sơn.
Bà Quách Thị Dung, Chủ nhiệm HTX Nhân Nghĩa cho biết: “Ngoài đam mê và ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tôi và nhiều người thợ có tâm huyết và tìm cách khôi phục, truyền lại những kinh nghiệm quý báu trong nghề. Nhờ sự hỗ trợ, tạo mọi điều kiện của các cấp chính quyền, sự nỗ lực, kiên trì của chị em phụ nữ, nghề mây, tre đan dần có chỗ đứng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hội viên”.
HTX nông nghiệp Dương Nam nằm ở xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, phía đông nam tỉnh Hòa Bình; nơi tập trung đông đồng bào các dân tộc Mường, Dao. Năm 2017, HTX được thành lập với hoạt động chính là sản xuất sản phẩm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao trên diện tích 13ha cam giống CS1, bưởi Diễn và chè.
Anh Dương Ngọc Chức, Giám đốc HTX Dương Nam chia sẻ: “Chúng tôi gồm 8 thành viên, liên kết thành lập HTX với mong muốn phát huy vai trò “bà đỡ” cho các hộ nông dân liên kết với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả cao. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi luôn được các cấp, ngành quan tâm, ủng hộ. Trong đó, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình hỗ trợ 15 triệu đồng. Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy hỗ trợ về kỹ thuật; tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn và thăm quan học hỏi một số mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả”.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, HTX Dương Nam vận động thành viên dồn đổi đất đai, nhằm khắc phục hạn chế về đất đai manh mún, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ KHCN; đầu tư cải tạo đất nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập, đặc biệt quan tâm sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài sản phẩm làm ra, HTX thu mua khoảng 600 tấn cam đạt tiêu chuẩn chất lượng, kết nối với một số cơ sở tại Hà Nội, nên phần lớn sản phẩm được cung cấp cho thị trường Thủ đô và vào các siêu thị lớn như: Big C, Lotte...
Sản phẩm của HTX được người tiêu dùng đón nhận, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều thuận lợi, đời sống của thành viên được nâng cao.Tổng doanh thu của HTX đạt trên 4 tỷ đồng/năm, thu nhập người lao động đạt từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Mới đây, HTX Dương Nam được Liên minh HTX tỉnh công nhận là điển hình tiên tiến trong tạo việc làm thường xuyên, giúp thành viên và người lao động có thu nhập, ổn định cuộc sống; từng bước góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Nhân rộng để phát triển bền vững và bứt phá
Có thể nhận thấy, hệ thống HTX của Hòa Bình đã vượt qua những khó khăn ban đầu, dần thích nghi với kinh tế thị trường để duy trì sản xuất, đảm bảo thu nhập cho người lao động; khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình nói chung và vùng nông thôn, vùng DTTS nói riêng.
Sau 20 năm nỗ lực đổi mới, kinh tế tập thể (KTTT), HTX của tỉnh có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 228 tổ hợp tác (THT); 476 HTX, tăng 73,9% so với năm 2001, có 446 HTX đang hoạt động với 16,54 nghìn thành viên (tăng 3 lần) và 26,8 nghìn lao động (tăng 3,4 lần). Doanh thu và thu nhập bình quân của 1 HTX hàng năm đều tăng, giai đoạn 2013 - 2021 tăng gấp đôi giai đoạn 2001 - 2012. Đến năm 2021, doanh thu HTX đạt 3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận 389,6 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng. Số lượng HTX tốt, khá chiếm 75%. THT, HTX chuyển biến tích cực về quy mô, công nghệ và thị trường. Đặc biệt, HTX nông nghiệp hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. KTTT, HTX thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường, xuất hiện nhiều mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ - Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh Hòa Bình cho biết: KTTT đang là hình thức tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả bền vững ở khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS của tỉnh Hòa Bình. Hiện có 65% số xã có HTX đã đóng góp tích cực phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới. HTX, THT vai trò quan trọng tạo sinh kế, là các mô hình tổ chức sản xuất tập trung, hiệu quả, giúp người dân, thành viên phát huy kinh tế hộ, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
“Thời gian tới, cần tập trung nguồn lực, tăng đầu tư từ Ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình KTTT, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, tại các vùng khó khăn, vùng DTTS, miền núi. Đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT theo hướng khuyến khích tăng số lượng thành viên, quy mô hoạt động của HTX, thúc đẩy liên kết sản xuất phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm của các tổ chức KTTT, hoạt động của các HTX...”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ nhấn mạnh.