Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người Khơ Mú 

Người Khơ Mú ở Than Uyên (Lai Châu) cư trú tập trung ở các bản Thẩm Phé (xã Mường Kim), bản Mè (xã Ta Gia) và các bản Noong Ỏ, Noong Ma (xã Tà Hừa). 

Theo quan niệm người Khơ Mú, trong một chu kỳ canh tác nông nghiệp, sau khi đã thu hoạch xong mùa màng, các gia đình dâng cúng lên tổ tiên những hạt nếp cốm mới và tham gia nhiều sinh hoạt cúng tế và vui chơi độc đáo. Mỗi gia đình tổ chức lễ cơm mới trong một ngày, gia đình này nối tiếp gia đình khác tạo nên một mùa lễ hội, đó là Lễ hội Mừng Cơm mới (người Khơ Mú ở bản Thẩm Phé gọi là Giát Hả Mả Mía).

Quan tâm gìn giữ, bảo tồn

Theo đồng bào Khơ Mú, Lễ hội Mừng Cơm mới mang ý nghĩa linh thiêng, là dịp dâng lên tổ tiên cơm mới, món ăn truyền thống và cầu mong họ phù hộ cho các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, cầu cho mùa màng bội thu. Đây còn là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động, giúp gia đình, dòng họ đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.

Chú thích ảnh
Lễ hội “Mừng Cơm mới” của dân tộc Khơ Mú ở Lai Châu. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Triển khai Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, huyện Than Uyên phối hợp với UBND các xã hỗ trợ khôi phục, dàn dựng các nghi lễ của đồng bào Khơ Mú, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao lồng ghép các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn nhằm bảo tồn và phát huy một số loại hình dân ca, dân vũ và nhạc cụ dân tộc truyền thống.

Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên Trần Quang Chiến cho biết, huyện luôn quan tâm đến việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn; trong đó có Lễ hội Mừng Cơm mới. Qua đó, giới thiệu nét độc đáo đến du khách gần xa; đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Than Uyên tiếp tục duy trì Lễ hội này thường niên trong các dịp Lễ, Tết hàng năm; khuyến khích người dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Khơ Mú trong bức tranh văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc

Cũng như nhiều lễ hội khác, Lễ hội Mừng Cơm mới được chia ra hai phần gồm: phần lễ và phần hội. Để chuẩn bị cho phần lễ, ngoài cốm mới, đồng bào còn phải chuẩn bị nhiều lễ vật dâng cúng như: Rượu cần, rượu cất, một đôi gà trống hoa, xôi trắng, xôi đỏ, các loại rau cùng các sản vật của núi rừng như: cá, cua...

Chú thích ảnh
Nghi lễ “Thỉnh mời tổ tiên” - mở màn cho lễ hội Cơm mới. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Ông Hoàng Văn Tiến (bản Thẩm Phé, xã Mường Kim) cho biết, hàng năm, vào tháng 8 - 9 dương lịch, khi mùa màng đã thu hái xong, đồng bào Khơ Mú lại gọi nhau tổ chức Lễ hội Mừng Cơm mới. 

Mở màn là nghi lễ “Thỉnh mời tổ tiên”. Ông chủ lễ kính cẩn mời tổ tiên về dự và khấn kể về nguồn gốc của lễ hội; về quá trình khai khẩn và gieo trồng nương rẫy. Trong bài cúng, ông chủ lễ cũng nhắc đến công ơn của tổ tiên đã phù hộ con cháu, giúp con cháu trông nom nương rẫy, cây trồng. Tiếp đến là nghi thức mời cơm. Ông chủ lễ một tay vít 2 cần rượu mồi cho rượu chảy ra rồi khấn mời tổ tiên hưởng lễ; sau đó là lễ khấn xin tổ tiên tiếp tục phù hộ cho gia đình được mọi điều tốt đẹp.

Nghi thức thứ hai trong chuỗi các nghi lễ là nghi thức cầu may. Bà chủ nhà bưng chõ xôi đỏ có 2 đồng tiền trong đó ra giữa nhà. Chõ xôi được đổ xuống đất kèm theo câu nói của bà chủ nhà: “Ăn nên làm ra nhớ”. Mọi người chen nhau vào bới đồng tiền với hi vọng năm tới sẽ khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Tiếp theo là nghi thức phát lộc. Nghi thức cuối cùng là nghi thức hát mừng cơm mới.

Phần hội sẽ có nhiều trò chơi, điệu múa như: vũ điệu “Hưn mạy”, trò chơi thi uống rượu cần. Khi cơm đã no, rượu đã say, chiêng trống được mang ra, mọi người tay trong tay cùng đắm say trong điệu xòe.

PV
Gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch ở Lai Châu
Gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch ở Lai Châu

Hiện tỉnh Lai Châu có 5 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật múa xòe, trò chơi kéo co của dân tộc Thái, lễ Tủ cải của đồng bào dân tộc Dao, lễ hội Gầu Tào của người Mông, nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN