Giám sát việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Sáng 22/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận từ năm 2014 đến nay.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam Phạm Văn Tân phát biểu tại buổi làm việc. 

Theo ông Đỗ Văn Thái - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được tỉnh quan tâm. Hiện nay, tại Bình Thuận có 15 bãi rác xử lý rác thải sinh hoạt hoạt động theo quy trình chôn, lấp, đốt; có 1 nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động, 2 dự án đang được xây dựng và sắp đi vào vận hành. Trong năm 2019, hơn 63% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và gần 59% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom xử lý.

Nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý chất thải nhựa, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể, chính quyền địa phương hạn chế, tiến tới không sử dụng nước đóng chai, ống hút nhựa trong các hội nghị, hội thảo, sự kiện của cơ quan, đơn vị. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về phong trào “Chống rác thải nhựa” trong cộng đồng, “Nói không với rác thải nhựa”…

Công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trái phép trên địa bàn được tỉnh Bình Thuận quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt. Nhiều sở, ngành, địa phương và cấp ủy các cấp xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tăng cường công tác theo dõi, quản lý. Công tác quan trắc môi trường và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động được triển khai thực hiện. Đến nay Bình Thuận có 9/14 dự án đang hoạt động thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đã truyền dữ liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.

Bình Thuận là địa phương chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì vậy công tác chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai thường xuyên được thực hiện. Tỉnh đã chủ động triển khai phòng chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với các dải ven biển đảo Phú Quý; quan tâm đầu tư hệ thống kè biển, kè sông chống xâm thực xói lở. Giai đoạn 2009 - 2018, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 17 km kè bảo vệ bờ biển, đầu tư 5 km kè sông… giúp bảo vệ khu dân cư, khu dịch vụ du lịch cộng đồng, khu nuôi trồng thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường biển.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận kiến nghị một số vấn đề như: Các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác quản lý, xử lý chất thải rắn; phê duyệt Đề án tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam… Trung ương quan tâm bố trí nguồn vốn để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tỉnh Bình Thuận, nhất là đầu tư các công trình, dự án bức xúc về thủy lợi, đê kè bảo vệ bờ biển, bảo tồn đa dạng sinh học.

Tỉnh cũng đề nghị Trung ương bố trí nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm như: Dự án “Phòng, chống lũ lụt, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu sông Cà Ty”; đầu tư dự án thu gom, xử lý nước thải đô thị thành phố Phan Thiết tại khu vực Nam sông Cà Ty và các vùng đô thị du lịch Hàm Tiến, Mũi Né…

Chú thích ảnh
Quang ảnh buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung như: Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn thấp; các giải pháp ứng phó với tình hình hạn hán thiếu nước trên địa bàn tỉnh; xử lý vấn đề chất thải từ hoạt động của các trại chăn nuôi heo; kiểm soát môi trường tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trưởng đoàn giám sát, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bình Thuận đã đạt được trong thời gian qua. Việc triển khai các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu đã được tỉnh Bình Thuận thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt và liên tục từ năm 2014 đến nay.

Thời gian tới, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tỉnh Bình Thuận cần bám sát các nhóm giải pháp đã đề ra như: Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chất thải; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và thay đổi hành vi của người dân về bảo vệ môi trường; tăng cường kêu gọi xã hội hóa tham gia đầu tư xây dựng trong lĩnh vực bảo vê môi trường… Cùng với việc tăng cường năng lực quản lý môi trường, triển khai các giải pháp chủ động phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, Bình Thuận cần tiếp tục nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn giám sát ghi nhận và báo cáo với cấp trên.

Tin, ảnh: Hồng Hiếu (TTXVN)
Giảm thiểu rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu
Giảm thiểu rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN