Dự án Đê bao sông Măng Thít góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Dự án Đê bao sông Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư hơn 1.458 tỷ đồng, với chiều dài hơn 42km đi qua địa phận các huyện Mang Thít, Tam Bình, Vũng Liêm và Trà Ôn, có ý nghĩa rất quan trọng, vừa có tác dụng chống ngập, ngăn lũ, vừa ngăn mặn cho khoảng 60.000ha đất sản xuất.

Chú thích ảnh
Hệ thống cống thuộc Dự án Đê bao sông Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2) giúp điều tiết và chủ động nguồn nước tưới tiêu. 

Không còn nỗi lo sạt lở

Đến nay, khối lượng thực hiện dự án đạt hơn 90%, dự kiến sẽ hoàn thành những hạng mục cuối cùng trong quý I và quý II năm 2024. Trải qua thời gian dài triển khai, dù có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ, tuy nhiên dự án đã phát huy được hiệu quả đầu tư. Người dân nơi dự án đi qua không còn nơm nớp nỗi lo sạt lở, chủ động nguồn nước tưới tiêu, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế.

Tuyến đê bao sông Măng Thít đi qua huyện Mang Thít có chiều dài hơn 19km với 5 cống hở và 1 công trình kè. Theo chính quyền địa phương, hiện nay tiến độ đê bao kết hợp đường giao thông hoàn thành 95%, các cống hở đã hoàn thành 100%.

Những hạng mục hoàn thành bước đầu đã phát huy tác dụng. Hệ thống đê bao kết hợp với đường đan đã khép kín khoảng 4.200ha đất nông nghiệp. Các công trình cống hở của dự án giúp chủ động nguồn nước tưới tiêu, ngăn triều cường, phòng chống hạn, mặn, phục vụ sản xuất hiệu quả. Nhờ có tuyến đê bao và hệ thống cống hở, người dân trong khu vực mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang cây, con có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bưởi, ươm lươn giống, nuôi cá linh, cá chạch lấu…

Đê bao kết hợp với tuyến giao thông cũng giúp việc lưu thông hàng hóa được thuận lợi, giá cả hàng hóa nông sản tăng, người dân phấn khởi vì giảm chi phí sản xuất nông nghiệp như chi phí phòng, chống hạn mặn, bơm tát khi triều cường. Bên cạnh đó, người dân ven tuyến đê bao không còn chịu cảnh ngập vào mùa nước lũ, đời sống sinh hoạt được ổn định.

Là địa phương ở đầu tuyến, người dân xã Chánh An, huyện Mang Thít sớm hưởng lợi từ các hạng mục đê bao, đường giao thông và cống hở. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chánh An Đặng Trương Hoài Linh cho biết, tuyến đê bao sông Măng Thít qua xã có chiều dài khoảng 6km, trên tuyến có 3 cống hở, góp phần bảo vệ cho hơn 500ha vườn cây ăn trái của người dân. Từ khi các hạng mục thuộc dự án đi qua địa bàn hoàn thành, người dân rất phấn khởi vì sản xuất nông nghiệp được đảm bảo, chủ động nước tưới tiêu, việc đi lại lưu thông hàng hóa cũng dễ dàng hơn.  

Ông Nguyễn Ngọc Bá, xã Chánh An chia sẻ: “Hồi trước, con đê thấp, thường xuyên xảy ra sạt lở, rồi nước tràn bờ ngập các vườn cây nên trồng trọt khó khăn lắm. Nhiều gia đình muốn đầu tư trồng trọt thì phải làm thêm đê bao dã chiến để bảo vệ vườn. Từ khi có đê bao đi qua, khu vực này không còn ngập nữa, bà con thấy vậy phấn khởi mở rộng trồng thêm nhiều cây mới. Hiện nay, bà con vừa có đường giao thông thuận tiện, vừa yên tâm sản xuất”.

Thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Chú thích ảnh
Dự án Đê bao sông Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2) với hệ thống đê bao kết hợp đường giao thông vừa góp phần bảo vệ sản xuất vừa đảm bảo lưu thông thuận tiện cho người dân. 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mang Thít Nguyễn Chí Quyết nhận định, dù có nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thi công, tuy nhiên, khi các hạng mục của Dự án đi qua địa bàn hoàn thành đã góp phần làm thay đổi lớn bộ mặt các xã vùng ven của huyện, đường giao thông thông thoáng, kinh tế phát triển, đời sống người dân có nhiều khởi sắc.

Người dân các xã có dự án thực hiện rất phấn khởi trước hiệu quả của Dự án, làm cơ sở giúp cấp ủy, chính quyền định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên và quy hoạch sản xuất của địa phương gắn với việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phát huy hiệu quả từ Dự án, thời gian tới, huyện sẽ định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để mạnh dạn đầu từ các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ mới để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Với khoảng 250ha diện tích vườn cây ăn trái được bảo vệ từ hiệu quả Dự án, người dân xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn cũng phấn khởi đi dự án đê bao đi qua. Ông Tạ Văn Tâm, xã Nhơn Bình cho biết, trước đây mỗi mùa nước lớn thì nhà cửa, vườn cây của gia đình đều bị ngập nước. Khi đê bao hoàn thành, khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân được khép kín, không lo nước ngập. Đường giao thông thông suốt, thuận tiện cho việc vận chuyển phân bón, nông sản. Nhờ đó, ông mạnh dạn đầu tư trồng gần 10.000m2 chanh. Vườn cây chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhơn Bình Nguyễn Văn Triệu đánh giá: “Thời điểm chưa có đê bao sông Măng, mỗi khi con nước lớn tháng 9, tháng 10 âm lịch là chính quyền địa phương và người dân nơm nớp lo vì nước từ sông lớn tràn vào nhà dân, lo lắng hơn là tình trạng nước mặn sẽ ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái. Từ khi có đê bao khép kín, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, người dân yên tâm, mạnh dạn chuyển đổi sang những cây trồng hiệu quả kinh tế, việc đi lại, giao lưu hàng hóa cũng thuận tiện”.

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long), Dự án Đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) bao gồm 1 tuyến đê bao với chiều dài 42,9km, 18 cống hở và 6 tuyến kè; thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2025. Đến nay, khối lượng thực hiện toàn dự án đạt khoảng 90%. Trong đó, hạng mục đê bao đã đắp hoàn thành nền 40,1km, đổ dal hoàn thiện đê bao trên 30km, hạng mục cống hở đã hoàn thành 14 cống, hạng mục kè đã hoàn thành 4 tuyến kè. 

Quá trình triển khai, do tuyến trải dài trên địa bàn 4 huyện, số hộ dân bị ảnh hưởng lớn nên gặp một số khó khăn trong giải phóng mặt bằng, các đơn vị đã phối hợp với địa phương tiến hành tổ chức vận động người dân đồng thuận để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Bên cạnh đó, do sông Măng Thít là tuyến giao thông đường thủy quốc gia, lưu lượng phương tiện lưu thông lớn nên quá trình thực hiện Dự án, trên tuyến cũng xảy ra những điểm sạt lở, chủ đầu tư đã yêu cầu các đơn vị thi công khắc phục, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc gia cố các điểm sạt lở. 

Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Thành Vinh cho biết, Dự án góp phần chủ động ngăn lũ, triều cường, kiểm soát mặn, tiêu thoát nước, bảo vệ sản xuất vùng dự án, giảm tổn thất do biến đổi khí hậu, đồng thời phát triển giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, hệ thống đê bao đoạn qua huyện Trà Ôn đã hoàn thành, đoạn qua huyện Mang Thít phấn đấu hoàn thành trong quý I năm 2024, đoạn qua huyện Vũng Liêm phấn đấu hoàn thành trong quý II năm 2024. Ngoài ra, trên tuyến còn 4 cống hở và 2 tuyến kè đã thi công đạt khối lượng gần 90%, chủ đầu tư dự kiến hoàn thành trong quý I và quý II năm 2024 để bàn giao cho địa phương.

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Người dân Nghi Xuân lo lắng vì tuyến đê bao ngăn mặn xuống cấp
Người dân Nghi Xuân lo lắng vì tuyến đê bao ngăn mặn xuống cấp

Những năm gần đây, mỗi khi đến mùa mưa bão, người dân thôn Song Nam, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh lại lo lắng vì tuyến đê bao ngăn mặn bị xuống cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN