Bà con mong muốn chính quyền sớm đầu tư, gia cố tuyến đê này nhằm phát huy khả năng ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ đất sản xuất và an toàn cho hàng trăm hộ dân sinh sống phía trong đê.
Đê ngăn mặn ở thôn Song Nam, xã Cương Gián là tuyến đê cấp V có chiều dài gần 2,2km, thân đê có độ cao gần 4m. Tuyến đê này từng bị phá hủy sau một trận bão lớn, sau đó được xây dựng lại bằng đất từ năm 1994. Đây là tuyến đê bao xung yếu, bao quanh thôn Song Nam, có nhiệm vụ ngăn mặn giữ ngọt, bảo vệ vùng đất sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Trải qua thời gian, do chịu ảnh hưởng của triều cường, mưa lũ nên đê xuống cấp, hư hỏng nhiều vị trí.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, ở thôn Song Nam cho hay, nếu nước biển tràn vào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến diện tích sản xuất lúa của bà con. Vì vậy, người dân mong muốn con đê này được gia cố và nâng độ cao để tránh tình trạng nước biển xâm nhập.
Thôn Song Nam hiện có 178 hộ với 730 nhân khẩu. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 60 ha, trong đó có 35ha trồng lúa. Tuyến đê bao có vai trò rất quan trọng đối với việc sản xuất, canh tác của người dân ở đây. Hiện nay, tuyến đê này đã xuất hiện nhiều vị trí sạt lở ở mặt đê, đỉnh đê. Đặc biệt, có những đoạn thân đê đã xuất hiện vết sạt lở lớn, tạo thành rãnh sâu, nguy cơ mất an toàn khi có mưa bão.
Theo ông Lê Văn Toản, Trưởng thôn Song Nam, do vị trí của thôn nằm ngay cạnh con sông Lạch Kèn và cửa biển nên tuyến đê này ngoài tác dụng ngăn mặn, giữ nước ngọt cho thôn thì còn có vai trò ngăn lũ vào mùa mưa bão cho các hộ dân ở đây. Trước tình trạng xuống cấp của tuyến đê, trong các cuộc tiếp xúc cử tri bà con đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, có phương án đảm bảo an toàn. Vào năm 2020, mưa lớn, nước biển dâng lên dẫn đến nguy cơ vỡ đê. Chính quyền địa phương và người dân đã dùng bao tải đất gia cố, đắp vào các vị trí xung yếu trên thân đê và mặt đê.
Tình trạng xuống cấp của đê Song Nam không chỉ xảy ra ở mặt đê, thân đê mà còn xuất hiện ở các phần kè gia cố bên ngoài. Trước đây, để giảm áp lực, nắn dòng chảy của sông Lạch Kèn, bảo vệ đê không bị sạt lở, 8 kè gia cố bằng đá đã được xây dựng phía ngoài đê. Đến nay, trải qua nhiều trận mưa lũ, các tuyến kè này đã bị xói lở, hiện chỉ còn lại một kè.
Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián Trần Quang Tráng thông tin: Hiện nay, việc cấp thiết là phải xây dựng, khôi phục lại các tuyến kè để giảm áp lực dòng nước tác động vào thân đê. Về lâu dài, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu gia cố những vị trí sụt, sạt trên thân đê nhằm đảm bảo an toàn cho thôn Song Nam.
Là địa phương nằm ven biển, huyện Nghi Xuân có đường bờ biển dài hơn 30km. Để đảm bảo an toàn cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp và các khu dân cư ven biển, thời gian qua nhiều tuyến đê xuống cấp đã được bổ sung nguồn vốn sửa chữa; trong đó có Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đê biển Hội Thống đoạn từ xã Xuân Đan đến xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân với tổng mức đầu tư khoảng 43 tỷ đồng. Ngoài ra, Dự án tuyến đê biển huyện Nghi Xuân có vốn đầu tư trên 150 tỷ đồng với chiều dài 10km, từ xã Cổ Đạm đến đê Đại Đồng, xã Cương Gián cũng đã hoàn thành giai đoạn 1.
Trước thực trạng xuống cấp của tuyến đê tại thôn Song Nam, xã Cương Gián, các đơn vị chức năng của huyện Nghi Xuân đã tiến hành khảo sát, lập dự toán để có phương án xử lý. Ông Lê Anh Đức, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Xuân cho biết: Do tuyến đê xây dựng bằng đất, cơ đê nhỏ nên qua thời gian, dưới tác động của dòng nước đê đã xuống cấp. UBND huyện Nghi Xuân đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng Ban Quản lý dự án xây dựng huyện tiến hành khảo sát, lập dự toán và đưa ra phương án đảm bảo an toàn cho tuyến đê. UBND huyện Nghi Xuân sẽ bố trí nguồn vốn trong thời gian sớm nhất để xử lý những sự cố trong phạm vi điều chỉnh, qua đó đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân phía trong đê.