Các cống này nằm trong dự án đầu tư xây dựng các cống tại đầu các kênh rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 (giai đoạn 1) có tổng kinh phí khoảng 880 tỷ đồng, khi hoàn thành có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản phía Nam Quốc lộ 1, chủ yếu là Sa pô chê, sầu riêng, cây có múi…
Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư. Theo lãnh đạo ban quản lý, các cống trên được xây dựng theo kiểu cống lộ thiên bằng bê tông cốt thép. Khẩu độ cống từ 10 đến 50m/cống tùy theo mặt cắt kênh rạch; trong đó, có 2 cống có khẩu độ rộng 50 m là Rạch Gầm và Phú Phong, 1 cống khẩu độ rộng 20 m và 3 cống khẩu độ rộng 10 m. Tất cả đều sử dụng cửa van phẳng kéo thẳng đứng, đóng mở cửa van bằng xi-lanh thủy lực. Các cống còn có thêm các công trình phụ trợ phục vụ dân sinh như cầu đi bộ; nhà quản lý cống; trung tâm thu thập dữ liệu và quản lý, điều hành, xây dựng tuyến đê ngăn mặn dọc sông Tiền dài khoảng 10 km…
Trong 6 cống được triển khai xây dựng thì 2 cống đầu tiên là cống Rạch Gầm và cống Phú Phong trên địa bàn huyện Châu Thành khởi công sớm nhất vào tháng 1/2022; 4 cống còn lại là: Cây Cồng, Hai Tân, Mù U, Cái Sơn khởi công vào cuối tháng 8/2022.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện, trong năm 2022 vừa qua, tỉnh đã giải ngân toàn bộ vốn giao thực hiện trong năm gần 254 tỷ đồng. Năm 2023, giao tiếp vốn trên 230 tỷ đồng đồng thời lãnh đạo tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, động viên các đơn vị thi công tập trung nhân lực, trang thiết bị, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành sớm công trình với chất lượng tốt nhất.
Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đàm Thanh Tuyến cho biết, đến giữa tháng 2/2023, sau hơn một năm kể từ ngày khởi công, hai cống Rạch Gầm và Phú Phong đã hoàn thành được khoảng 75% khối lượng công việc. Cống Cây Cồng đã hoàn thành đạt 57% khối lượng công việc được giao, cống Hai Tân đạt 44%, cống Mù U đạt 36% và cống Cái Sơn đạt 35%.
Ông Vũ Huy Giáp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang (TICCO), đại diện cho các đơn vị trúng thầu thi công công trình cho biết, hiện các đơn vị thi công tập trung phương tiện, vật tư, nhân lực, tranh thủ mùa khô thuận lợi, triển khai nhanh phương án thi công với mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 6/2023, vượt trước 2 tháng so với kế hoạch đề ra, đảm bảo chất lượng và mỹ quan công trình cũng như hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống.
Công ty đã trúng thầu thi công hai công trình là cống Cây Cồng có kinh phí đầu tư xây dựng 41 tỷ đồng và cống Mù U có tổng kinh phí đầu tư xây dựng 76 tỷ đồng. Ngoài phương tiện, thiết bị hùng hậu được tập trung huy động, hiện tại trên mỗi công trình, doanh nghiệp có thường xuyên từ 20 đến 30 công nhân lao động chia nhau làm 2 – 3 ca liên tục trong ngày, tùy theo tính chất và yêu cầu công việc nhằm rút ngắn thời gian thi công, sớm hoàn thành bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, phòng chống hạn mặn, trữ ngọt, bảo đảm sản xuất cho các vùng chuyên canh trái cây đặc sản xuất khẩu của địa phương.