Đắp đập ngăn mặn, bảo vệ trên 128.000 ha đất sản xuất

UBND tỉnh Tiền Giang khẩn trương đầu tư gần 34 tỷ đồng, triển khai phương án đắp 8 đập ngăn mặn, trữ ngọt.

Trước tình hình diễn biến xâm nhập mặn phức tạp, trong những ngày cuối tháng 1/2021 vừa qua, ranh mặn từ cửa sông Tiền đã lấn sâu vào thượng lưu 50 km, vượt qua thành phố Mỹ Tho, đến tận Bình Đức (huyện Châu Thành) đe dọa sản xuất và đời sống, UBND tỉnh Tiền Giang khẩn trương đầu tư gần 34 tỷ đồng, triển khai phương án đắp 8 đập ngăn mặn, trữ ngọt gồm: Nguyễn Tấn Thành, Ông Hổ, Cầu Sao, Rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà và Ông Mười cặp theo bờ Bắc sông Tiền. 

Chú thích ảnh
Ngày 8/2/2020, tỉnh Tiền Giang phát động lễ đóng đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành (đoạn km 01+460) nhằm ngăn mặn, trữ ngọt.  Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Các đập trên cùng hệ thống đê bao, cống đập liên quan thiết thực bảo vệ trên 128.000 ha đất sản xuất vùng phía Tây tỉnh và một phần tỉnh Long An. Ngoài ra, còn tạo nguồn nước ngọt bổ cấp cho hai nhà máy cấp nước Bình Đức và Đồng Tâm đảm bảo cấp nước trong mùa khô 2021 phục vụ sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân tỉnh Tiền Giang và Long An.

Theo ông Ưng Hồng Nghi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Tiền Giang, hiện nay, các đơn vị thi công đã tập kết đầy đủ phương tiện, vật tư và triển khai các giải pháp thi công, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ và hoàn tất việc đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trước Tết Nguyên đán sắp tới, bảo vệ sản xuất và đời sống.

Mặc khác, đúc kết kinh nghiệm trong phòng chống hạn, mặn, giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô 2019 – 2020 vừa qua, tỉnh Tiền Giang cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp chủ động phòng chống xâm nhập mặn kết hợp với đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất cũng như nước sinh hoạt cho nhân dân, không để thiên tai gây nhiều thiệt hại, ổn định cuộc sống.

Ngoài giải pháp công trình, Tiền Giang đang tăng cường quan trắc diễn biến xâm nhập mặn và thông báo thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và có biện pháp ứng phó thiên tai một cách phù hợp. Đặc biệt là khuyến cáo về tích cực làm thủy lợi nội đồng, nạo vét ao mương trữ ngọt phục vụ sản xuất, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, phòng chống ô nhiễm môi sinh, môi trường…

UBND tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang quản lý, vận hành hợp lý hệ thống các công trình thủy lợi trong các dự án Bảo Định, dự án ngọt hóa Gò Công… một cách hợp lý đảm bảo hiệu quả trong phục vụ sản xuất và đời sống, ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu.

Minh Trí (TTXVN)
Chủ động ngăn mặn xâm nhập sớm
Chủ động ngăn mặn xâm nhập sớm

Theo báo cáo Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh từ ngày 17 đến ngày 21/12, nước mặn đã xâm nhập vào các nhánh sông và trước một số cửa các cống đầu mối thủy lợi trên địa bàn tỉnh, với độ mặn đo được thấp nhất là 1‰ và cao nhất là 7,7‰.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN