Cụ thể, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó tình hình bão, lũ, sạt lở và xâm nhập mặn, phát triển sản xuất phù hợp, nhất là phương án sơ tán, di dời dân do ảnh hưởng của thiên tai, ứng phó triều cường, sạt lở, hạn mặn theo phương châm "4 tại chỗ".
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát các khu vực, tuyến đê, cống, công trình ngăn mặn trữ ngọt xung yếu, nhất là các địa bàn Chợ Lách, Châu Thành, Bình Đại...; đề xuất các công trình cấp bách cần phải gia cố để đưa vào đầu tư nhằm phục vụ tốt cho công tác phòng, chống thiên tai, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất có thể xảy ra.
UBND các huyện, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra và chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra các tuyến cống, đê bao, bờ bao, đê bao cục bộ, nội đồng; chủ động bố trí ngân sách địa phương, vận động nhân dân, các nguồn vốn hợp pháp khác để gia cố, tôn cao... không để bị ảnh hưởng do triều cường, sạt lở và ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và kiểm tra việc người dân trữ nước mưa, nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là áp dụng các phương pháp chăn nuôi, tưới tiên tiến.
UBND tỉnh Bến Tre cũng đề nghị các doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn tỉnh có phương án phù hợp đảm bảo cung cấp nước sạch, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 34/CT-TTg và các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh cho hay, huyện đã triển khai phương án ứng phó dông, bão, triều cường, hạn, mặn những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021 đến các xã trên địa bàn huyện. Huyện cũng chủ động rà soát, khảo sát đê bao, bờ bao, cống đập để gia cố, kiên quyết không để xảy ra tình trạng vỡ đê bao khi triều cường dâng cao trong thời gian tới.
Cũng theo ông Phạm Anh Linh, hệ thống đê bao của huyện cơ bản đảm bảo chống lũ an toàn, tuy nhiên công tác trữ nước còn nhiều hạn chế do hệ thống kênh rạch bị bồi lắng. Toàn huyện Chợ Lách hiện có khoảng 80 km đê bao ở các cồn và khu vực ven sông lớn cần tôn cao.
Thời gian qua, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng triều cường, sạt lở, xâm nhập mặn, mưa, bão... Cụ thể, đợt triều cường cuối tháng 10/2020 làm tràn, sạt lở, vỡ đê tại 15 điểm, 15 ha nuôi thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại 37 ha diện tích vườn cây ăn trái và nhiều căn nhà bị ngập...
Đến nay, tỉnh Bến Tre đã xây dựng khoảng 650 km đê bao ven biển và ven sông, bề rộng mặt đê trung bình 4,3 m. Trong đó, tuyến đê biển 83,6 km, tập trung ở các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; đê sông 146,2 km, tập trung ở các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Bình Đại và hơn 420 km bờ bao.