Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Điền cho biết, quy mô dự án bao gồm xây dựng tuyến đê bao cồn Tam Hiệp với tổng chiều dài 20,7 km; trong đó, 7,33 km gia cố mái phía sông và 67 cống trên tuyến. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre là chủ đầu tư dự án.
Dự án được thực hiện từ nay đến năm 2024 với tổng vốn đầu tư hơn 325,6 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí thực hiện dự án từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 hơn 125,6 tỷ đồng và từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình của Chính phủ 200 tỷ đồng.
Dự án nhằm mục tiêu chống sạt lở bờ sông, bảo vệ mái và chân đê để ngăn triều cường, ngăn mặn, trữ ngọt, điều tiết nước tạo thuận lợi cho sản xuất với khu vực gần 700 ha; đồng thời, bảo vệ cơ sở hạ tầng, nhà cửa, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, cải thiện môi trường và góp phần ổn định đời sống cho hơn 3.271 người dân khu vực trong đê.
Bên cạnh đó, dự án tiếp tục khai thác tổng hợp tiềm năng kinh tế vườn, trên cơ sở tiếp tục cải tạo nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; đáp ứng yêu cầu quy hoạch và phát triển giao thông vùng dự án.
Thời gian qua, do tác động của nhiều nguyên nhân, vùng đất ven sông của cồn Tam Hiệp thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng. Theo chính quyền địa phương, mỗi năm ở cồn Tam Hiệp đều có ít nhất 1 - 2 điểm sạt lở lớn ven bờ đê bao, gây mất đất và ảnh hưởng đến việc đi lại, sự an toàn tính mạng của người dân nhất là khu vực đầu cồn và đuôi cồn tiếp giáp phía tỉnh Tiền Giang. Trong 10 năm qua, đã có hàng nghìn mét vuông đất sụp xuống dòng nước.
Tại buổi khảo sát thực tế dự án mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh đề nghị UBND huyện Bình Đại chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 4 tới nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn trong năm 2023.
Đến nay, Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Bình Đại đã thực hiện kiểm kê, lập phương án bồi thường và chi tiền cho 270 hộ dân. Hiện đơn vị tiếp tục kiểm kê lập phương án bồi thường và chi tiền cho các hộ dân còn lại bị ảnh hưởng của dự án.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh trong những năm qua diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh. Hiện tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 138 km; trong đó, sạt lở bờ sông 104 điểm với tổng chiều dài khoảng 118,2 km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân; sạt lở bờ biển 8 điểm với tổng chiều dài khoảng 19,4 km.
Đáng chú ý, mức độ xâm thực bờ biển đang diễn ra mạnh mẽ, trung bình hàng năm bờ biển lấn sâu và trong đất liền khoảng từ 10 - 15 m, làm mất trên 120 ha đất và khoảng 100 ha rừng phòng hộ ven biển. Các khu vực đang diễn biến sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh như: sạt lở bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sạt lở bờ sông Mỏ Cày; sạt lở khu vực các cồn Tam Hiệp (huyện Bình Đại), Phú Đa (huyện Chợ Lách), Thành Long (huyện Mỏ Cày Nam)...