Đổi mới mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Chiều 18/1, tại Hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2020, triển khai nhiệm vụ trong tâm năm 2021 của Hội Nông dân tỉnh An Giang, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang Võ Nguyên Nam đề nghị hội nông dân các cấp trong tỉnh cần tập trung tham gia đổi mới mô hình nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Mô hình trông dưa lưới trong nhà kính mang lại nguồn thu nhập ổn định.cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI; trong đó xác định ba trụ cột để phát triển kinh tế là nông nghiệp, du lịch và thương mại - dịch vụ. Các cấp hội nông dân trong tỉnh cần sớm triển khai những nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông thôn được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang, An Giang là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Thời gian qua, những khó khăn trong quá trình hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cũng đã từng bước được giải quyết, hạ tầng nông nghiệp được đầu tư.

Thời gian tới, hội nông dân các cấp trong tỉnh phải tập trung tham gia đổi mới mô hình nông nghiệp; tăng cường vận động để nông dân đổi mới tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường ứng dụng công nghệ cao.

Chú thích ảnh
Nhờ mạnh dạn áp dựng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang đã có thu nhập ổn định, tường bước vươn lên giàu có ngay trên chính quê hương, mảnh đất của mình.

Cùng với đó, tập hợp, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp; qua đó, nâng cao giá trị và thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, khuyến khích hội viên, nông dân tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể như: hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoặc tổ hợp tác sản xuất; tham gia các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp...

Về phía Hội Nông dân tỉnh An Giang cần chủ động giúp, hỗ trợ những nhóm hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại, nông dân sáng tạo, đi đầu trong mở rộng sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, để họ trở thành nòng cốt trong phong trào xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn.

Đồng thời, hội cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan vận động nông dân tham gia hiệu quả chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), nhằm nâng cao giá trị gia tăng và hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững.

Chú thích ảnh
Mô hình hợp tác trong trồng và tiêu thụ sản phẩm đậu nành rau xuất khẩu giữa Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) với bà con nông dân từng bước tạo ra chuỗi giá trị khép kin, giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh An Giang.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết, năm 2020, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cũng như dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, chi phí sản xuất tăng… nhưng các cấp hội nông dân trong tỉnh thực hiện tốt các kế hoạch, chỉ tiêu chủ yếu, thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân.

Trong năm đã thành lập mới 41 hợp tác xã nông nghiệp, 180 tổ hợp tác sản xuất. Toàn tỉnh hiện có 174 hợp tác xã nông nghiệp với hơn 12.200 thành viên và 768 tổ hợp tác sản xuất với gần 15.000 thành viên.

Song song, các cấp hội đã tích cực phối hợp với các ngành kỹ thuật tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, tổ chức cho nông dân tham quan học tập các mô hình để áp dụng vào sản xuất; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ vốn, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tin, ảnh: Công Mạo (TTXVN)
Liên kết hộ chăn nuôi gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa
Liên kết hộ chăn nuôi gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa

Để chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm nói riêng phát triển theo hướng bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã và đang khuyến khích các hộ chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn theo chuỗi, từ sản xuất đến chế biến. Qua đó, mô hình liên kết giữa các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng được đẩy mạnh và dần hình thành theo hướng sản xuất hàng hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN