Thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2017 của cả nước ước đạt 115,2 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Đây được xem là tín hiệu lạc quan đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, việc duy trì tốc độ xuất khẩu trong những năm tới sẽ đối mặt với không ít khó khăn thách thức.

Xuất khẩu còn nhiều thách thức

May hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tại Công ty Cổ phần Thêu may Mỹ Đức, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói riêng hiện đang chịu tác động của nhiều yếu tố rủi ro từ các điều kiện khách quan lẫn nội tại; trong đó, thị trường thế giới đang diễn biến khó lường từ khi nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay chính sách bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Mỹ Donal Trump…

Ngoài ra, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều quốc gia đã thay đổi chiến lược kinh tế, thương mại. Như Trung Quốc đang tái cơ cấu, tập trung vào thị trường nội địa, và có những giải pháp mạnh mẽ để cạnh tranh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cả về chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Trong khi đó, Nhật Bản đã đẩy nhanh việc nâng cao năng lực sản xuất dựa vào thành tựu về tự động hóa, robot… Hàn Quốc thì tập trung phát triển năng lực thiết kế, sáng tạo, hoạch định xu hướng và tạo dựng sức mạnh để dẫn đầu ở nhiều chuỗi sản xuất.

Những thay đổi nhanh chóng của bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới, khiến chiến lược phát triển của các nước dựa vào thu hút đầu tư nước ngoài và lợi thế lao động giá rẻ như Việt Nam phải đối mặt với bước hụt trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thách thức không chỉ đến từ diễn biến thị trường mà còn xuất phát từ chính nội tại của các ngành sản xuất Việt Nam. Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Việt Nam đang được nhắc đến là một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới ở nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, làn sóng xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam chỉ mới tập trung vào việc gia tăng số lượng xuất khẩu. Thực tế, Việt Nam đã và đang xuất khẩu hầu hết sản phẩm dưới dạng thô, xuất khẩu “những gì mình có” thay vì xuất khẩu “những gì thị trường cần”.


Có thể nhận thấy qua việc Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu… nhưng giá trị thu về lại chưa tương xứng với số lượng. Một điển hình khác, xét về kim ngạch xuất khẩu thì Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia sản xuất dệt may lớn nhất thế giới, nhưng chưa có một thương hiệu thời trang nào của Việt Nam khẳng định được giá trị trong chuỗi cung ứng dệt may của thế giới.

Không chỉ hạn chế về năng lực sản xuất, những yếu kém về hạ tầng giao thông vận tải, ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nhân lực và khả năng ứng dụng công nghệ cũng là những vấn đề mà Việt Nam cần tháo gỡ để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nói riêng, phát triển kinh tế nói chung. 

Cần nhận diện tốt thị trường

Chế biến thủy sản xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Châu Âu tại Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Xuất khẩu Ngô Quyền, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Trong bối cảnh kinh tế thế giới không ngừng biến động, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam cần tạo nên làn sóng xuất khẩu thứ hai ra thị trường thế giới. Ông Nguyễn Thiết Hòa cho rằng, làn sóng xuất khẩu mới cần tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm trên cơ sở cải thiện năng lực sản xuất của doanh nghiệp, sử dụng nền tảng sản xuất theo hướng hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tập trung sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị toàn cầu.

Để đẩy nhanh hoạt động sản xuất trên cơ sở ứng dụng các thành tựu về công nghệ, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế hành chính, chính sách tài chính, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, đảm bảo sự công bằng giữa nhóm kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân. Trong quá trình đó, các doanh nghiệp cần chủ động thể hiện vai trò trung tâm, cũng như mạnh dạn tham gia vào việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải khắc phục việc nhận diện thị trường, tập trung vào những thị trường có tiềm năng lớn và có hành lang pháp lý về thương mại rõ ràng để tránh những rủi ro không thể kiểm soát được. 

Cùng quan điểm, ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM) cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế xuất khẩu từ việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Việt Nam nên tận dụng tốt các ưu đãi từ các FTA để nhận diện các thị trường chính và tập trung đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật, chất lượng cho thị trường này để gia tăng số lượng và giá trị cho các đơn hàng xuất khẩu.

Ở góc độ doanh nghiệp phân phối sản phẩm, ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Topvalu Japan chia sẻ, các doanh nghiệp có thể đánh giá tiềm năng của một thị trường thông qua việc tìm hiểu tổng nhu cầu nhập khẩu của thị trường đó. Ví dụ, năm 2016, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng may mặc, đồ gia dụng của Nhật Bản là hơn 601 triệu USD, trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chỉ mới đạt hơn 28 triệu USD. Mặt khác, Nhật Bản hiện có gần 700 đối tác là các nhà cung cấp hàng hóa nước ngoài, trong số đó chỉ có khoảng 50 nhà cung cấp Việt Nam. Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản là rất lớn và là một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng. Vấn đề còn lại của doanh nghiệp là làm thế nào để đáp ứng được các tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản.

Theo ông Yuichiro Shiotani, để tiếp cận được thị trường Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy trong sản xuất, tập trung tạo ra giá trị gia tăng và sự khác biệt cho sản phẩm, tránh việc sản xuất đại trà các mặt hàng có giá trị thấp. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cũng vô cùng quan trọng trong việc nâng cao lợi thế và cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Đối với vấn đề rủi ro, ông Hary Loh, Tổng giám đốc Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) tại Việt Nam cho rằng, nhận diện rủi ro là bước đầu tiên để giảm thiểu và phòng tránh nguy cơ tổn thất trong hoạt động xuất khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp phải nắm rõ quy trình xuất – nhập khẩu của từng thị trường và dự trù trước các giải pháp ứng phó với tình huống bất ngờ. Đặc biệt, trước khi xuất khẩu sang một thị trường mới hoặc giao dịch với một đối tác mới doanh nghiệp phải tìm hiểu các đặc điểm về văn hóa, tôn giáo, tình hình chính trị cũng như năng lực tài chính, uy tín nhằm đảm bảo hiệu quả của hoạt động xuất nhập khẩu.

Xuân Anh (TTXVN)
Ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu
Ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN