Tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu

Xuất khẩu (XK) của nước ta vẫn giữ được đà tăng trưởng là một thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để XK tăng trưởng bền vững, vẫn cần tập trung nâng cao giảm tình trạng XK thô, làm hàng gia công để nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng, hiệu quả XK.

 
Cơ cấu xuất khẩu đang thay đổi


Theo Bộ Công Thương, kim ngạch XK năm 2013 dự kiến sẽ đạt khoảng 129 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so kế hoạch, tăng 12,6% so với năm 2012.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng XK chung. Tính chung 8 tháng, kim ngạch XK nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt trên 59,0 tỷ USD, tăng 25,6% và chiếm tỷ trọng khoảng 69,6% nên đã giúp cho XK chung cả nước tiếp tục tăng trưởng. Một số nhóm hàng chính tiếp tục đạt mức tăng khá như hàng dệt và may mặc tăng 17,3%; giày dép các loại tăng 16,1%; nguyên phụ liệu, dệt may, da giày tăng 18,7%; đá quý và kim loại quý tăng 31,3%; sắt thép các loại tăng 13,9%... Đặc biệt, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 42,2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 76,2%. Đây là nhóm hàng dẫn đầu kim ngạch XK và tốc độ tăng trưởng của cả nước.

Chế biến tôm xuất khẩu tại công ty XNK thủy sản Nghệ An 2. 
Huy Hùng - TTXVN


Tuy nhiên, cũng có một số nhóm hàng XK chủ lực lại đối mặt với tình trạng sụt giảm. 8 tháng, kim ngạch XK nhóm nhiên liệu, khoáng sản ước đạt gần 6,43 tỷ USD, giảm 17,0% và chiếm tỷ trọng gần 7,6%, trong đó: than đá giảm 26,3%; dầu thô giảm 10,7%; xăng dầu các loại giảm 39,2%. Đặc biệt, kim ngạch XK nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 13,2 tỷ USD, giảm 6,8% và chiếm tỷ trọng 15,5% trong tổng kim ngạch XK. Giá cả nhiều mặt hàng nông sản có xu hướng giảm phần nào làm ảnh hưởng đến kim ngạch XK. Cũng tương tự, nhóm nguyên liệu khoáng sản giảm mạnh cả lượng và giá cả nhưng sự giảm dần tỷ trọng XK nhóm này phù hợp chủ trương của Chính phủ giảm XK nguyên liệu thô. Xét về giá, so với cùng kỳ, giá bình quân của hầu hết mặt hàng xuất khẩu tiếp tục giảm, như nhân điều giảm 6,7%; giá hạt tiêu giảm 3,6%; gạo giảm 3,2%; cao su giảm 17,9%; than đá giảm 17,3%; dầu thô giảm 4,6%; xăng dầu các loại giảm 5,4%...


Nâng cao giá trị gia tăng


Mặc dù vậy, nếu phân tích kỹ cơ cấu kim ngạch XK, nhập khẩu của nước ta từ đầu năm đến nay thì có thể thấy những điểm gây không ít lo ngại.


Trước hết, tăng trưởng XK chủ yếu là do XK các mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện cùng điện tử, máy tính và linh kiện. Hai nhóm hàng này có kim ngạch XK tăng cao nhất (tương ứng tăng 76,2% và 42,2% so với cùng kỳ) và chiếm tới hơn 23,4% tổng kim ngạch XK của cả nước. Thế nhưng đây lại là những mặt hàng có tỷ trọng gia công cao. Ðiều này cũng thể hiện rất rõ trong cơ cấu nhập khẩu khi kim ngạch NK các mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện lên tới 11,5 tỷ USD, tăng 41,6%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,2 tỷ USD, tăng 71,3%.


Tương tự, ngành dệt may đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, nhưng thực tế, sản xuất và xuất khẩu dệt may chủ yếu khai thác lợi thế về giá nhân công còn rẻ.


Bên cạnh đó, những năm gần đây, tăng trưởng XK cao lại ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khối FDI xuất siêu nhưng lại tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp. Ngược lại, khối kinh tế trong nước lại nhập siêu.


Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN