Thành phố Thủ Dầu Một tăng tốc để về đích “vùng xanh”
Thủ Dầu Một – trung tâm đô thị của Bình Dương với nỗ lực từng ngày để dần thoát khỏi “vùng đỏ”. Kết quả bước đầu, tại 14 phường của thành phố Thủ Dầu Một đã thiết lập được nhiều “vùng xanh” an toàn, tạo tiền đề vững chắc để tiến tới đẩy lùi dịch COVID-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Thủ Dầu Một đặt quyết tâm về đích “vùng xanh” vào ngày 1/9.
Nhằm kiểm soát “vùng xanh” hiện có, ngay đầu cửa ngõ trên đường Hồ Văn Cống vào phường Tương Bình Hiệp, lực lượng chức năng lập chốt trực 24/24 giờ để kiểm soát không cho người lạ từ bên ngoài vào. Phường đã có 40/83 tổ dân phố được thiết lập “vùng xanh” an toàn. "Khu phố nào đã “xanh” thì giăng dây cử người trực để bảo vệ thành quả", ông Trần Anh Chương, Chủ tịch phường Tương Bình Hiệp cho biết.
Theo ông Trần Anh Chương, phường đã có gần 50% là “vùng xanh” an toàn, hiện còn khoảng 21% là “vùng đỏ” và các vùng cam, vùng vàng. Những ngày gần đây, số ca nhiễm trên địa bàn đã giảm rõ rệt, có ngày không ghi nhận ca mới. Đó là tiền để tiến tới để phường lập thêm nhiều “vùng xanh” mới. Phường đã xây dựng phương án tiêm vaccine làm bàn đạp để tiến tới đạt 100% “vùng xanh”.
Phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một phát động phong trào tự quản, bảo vệ “vùng xanh” trên địa bàn. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Phú Mỹ Nguyễn Thị Hồng Yến cho biết, địa phương đã lập được hàng chục chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh”. Để bảo vệ “vùng xanh”, người dân cần phát huy vai trò tự quản, chủ động phòng, chống dịch.
Hiện 14 phường của thành phố Thủ Dầu Một đang "chạy đua" để thiết lập và mở rộng được nhiều “vùng xanh”, tạo tiền đề vững chắc để đẩy lùi dịch bệnh.
Ông Quách Lắm, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 4, phường Phú Lợi cho rằng, để bảo vệ “vùng xanh”, ngoài trách nhiệm của cấp ủy, Ban điều hành khu phố, ý thức của người dân rất quan trọng. Người đứng đầu khu phố phải truyền niềm tin, đi sâu đi sát với dân, vận động mọi người cùng nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ gia đình mình và khu phố.
Khu phố 4 có 12 tổ dân phố với hơn 2.000 nhân khẩu, gần đây đã có ca dương tính với SARS-CoV-2. Khi đó, Trưởng khu phố chịu trách nhiệm tổ chức lập chốt, kiểm soát bảo vệ “vùng xanh” cho các tổ còn lại. Hằng ngày, những người có trách nhiệm trong khu phố liên tục vào “điểm nóng”, đặc biệt là việc vận động một hộ dân có 3 người khiếm thị không may là F0 đi điều trị. Từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, của phường, lương thực, thực phẩm, đồ thiết yếu... được đưa đến các hộ trong diện phong tỏa, kể cả các hộ, khu nhà trọ bên ngoài cũng được quan tâm hỗ trợ kịp thời.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, ở hẻm 70 Lê Thị Trung, phường Phú Lợi (điểm bị phong tỏa) chia sẻ: "Những ngày qua, bác Quách Lắm gõ cửa từng nhà để hỗ trợ nhu yếu phẩm, phối hợp với lực lượng liên quan đưa các ca F0 đi cách ly... Bác đã tiếp thêm động lực cho từng nhà, từng người chung tay đẩy lùi dịch bệnh".
Sáng 12/8, qua công tác sàng lọc, lần đầu tiên thành phố Thủ Dầu Một ghi nhận có 26 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đây là con số giảm sâu, dự báo tình hình dịch trên địa bàn thành phố dần được kiểm soát.
Thành phố đang khoanh vùng cách ly tạm thời 102 khu vực với 2.401 hộ, 7.592 nhân khẩu; 12 doanh nghiệp chủ yếu trong các khu công nghiệp. Thành phố đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đạt 80,7% dân số; 44.860 người được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 và 1.320 người hoàn thành 2 mũi.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Thủ Dầu Một, toàn thành phố đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với kế hoạch xây dựng “vùng xanh” trên bản đồ COVID-19, đưa trung tâm đô thị của tỉnh Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 1/9. Cụ thể, đến ngày 15/8, 14 phường của thành phố triển khai các phương án đảm bảo duy trì “vùng xanh” hiện có, chuyển hóa ít nhất 30% “vùng đỏ”, 50% “vùng cam”, “vùng vàng” sang “vùng xanh”.
Sau ngày 22/8, toàn bộ 14 phường trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp để “vùng đỏ” tại địa phương không quá 10%; “vùng cam”, “vùng vàng” chỉ còn dưới 5% và “vùng xanh” từ 80 đến 90%. Đến ngày 30/8, thành phố hoàn thành công tác thiết lập “vùng xanh” toàn địa bàn và duy trì “vùng xanh” để từng bước đưa đô thị Thủ Dầu Một trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 1/9.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một Nguyễn Thu Cúc cho biết, việc xây dựng và mở rộng “vùng xanh” thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu chắc đến đó và có giải pháp vừa bảo vệ an toàn, vừa đảm bảo các điều kiện sống cho nhân dân trong tình hình dịch COVID-19 một cách linh hoạt. Do trong điều kiện nguồn cung vaccine còn hạn chế, thành phố ưu tiên tiêm theo từng nhóm đối tượng, trong đó trước mắt là người già trên 65 tuổi, sau đó tiến tới tiêm chủng diện rộng.
Cùng với tiêm chủng, trong giai đoạn “vàng” của những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tăng cường, thành phố cũng tập trung các biện pháp quyết liệt, khẩn trương, tách nhanh trường hợp F0 khỏi cộng đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu thấp nhất tử vong, thần tốc hơn nữa trong công tác xét nghiệm diện rộng, điều tra dịch tễ, truy vết cách ly, lấy mẫu…
“Để giành phần thắng, mỗi người dân thành phố cần chấp hành nghiêm yêu cầu 5K, “ai ở đâu, ở yên đấy”, góp phần mình đưa thành phố Thủ Dầu Một từng bước ra khỏi “vùng đỏ”", bà Nguyễn Thu Cúc nhấn mạnh.
An Giang mở rộng "vùng xanh", thu hẹp "vùng đỏ" để thúc đẩy giao thương hàng hóa, sản xuất kinh doanh
Các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang tập trung mở rộng "vùng xanh", thu hẹp "vùng đỏ" để thúc đẩy giao thương hàng hoá, sản xuất kinh doanh và nhanh chóng đưa cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh trở lại trạng thái bình thường trong thời gian sớm nhất.
Đây là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, tại cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với các đơn vị, địa phương để đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 qua gần 1 tháng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, tổ chức ngày 12/8.
Ông Lê Hồng Quang nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh đã triển khai các giải pháp phòng, chống dịch đúng hướng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Qua đó, số ca mắc tuy có tăng nhưng so với các tỉnh, thành phía Nam khác thì thấp. Chống dịch bệnh là cuộc chiến kéo dài, cả hệ thống chính trị trên toàn tỉnh tập trung cao độ để chống dịch, với sự đồng thuận, ủng hộ, đồng hành của dân toàn tỉnh. Các địa phương đã tăng tốc truy vết không để lọt F0 trong cộng đồng.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, sau ngày 15/8, các địa phương nới lỏng hay siết chặt cần phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương. Các địa phương cần tập trung nguồn lực tăng tốc mở rộng "vùng xanh" thu hẹp "vùng đỏ" để thúc đẩy giao thương hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhanh chóng đưa cuộc sống người dân về trạng thái bình thường mới. Các đơn vị, địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng chống dịch; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong công tác phòng, chống dịch và tỉnh kiên quyết xử lý đối với cán bộ vi phạm.
Đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, còn 3 ngày nữa là hết thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, UBND tỉnh đề xuất 2 phương án sau ngày 15/8. Theo đó, phương án 1 toàn tỉnh tiếp tục kéo dài Chỉ thị 16 đến hết ngày 22/8 và phương án 2 chỉ kéo dài Chỉ thị 16 đến hết ngày 22/8 đối với các huyện có nguy cơ cao và nguy cơ rất cao.
Sau ngày 15/8, Chủ tịch UBND tỉnh ủng hộ phương án giao quyền cho các địa phương tự áp dụng các biện pháp giãn cách phòng, chống dịch theo tình hình, thức tế của mỗi địa phương; người đứng đầu các huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy về các biện pháp chống dịch.
Tại buổi làm việc, các huyện, thị, thành cũng đề xuất, kiến nghị tùy tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương sẽ có biện pháp thiết lập "vùng xanh", "vùng đỏ" để áp dụng linh hoạt Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 cho phù hợp sau ngày 15/8. Quan điểm của các huyện là sẽ nới lỏng bên trong nội bộ của địa phương, nhưng sẽ siết chặt bên ngoài, vẫn duy trì các chốt phòng, chống dịch ở các cửa ngõ ra vào huyện.
Đến sáng 12/8, An Giang ghi nhận 692 ca mắc, có 2 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng cao trong thời gian tỉnh giãn cách do các tài xế vận chuyển hàng hóa, tài công... gây ra chùm ca bệnh và người dân về từ các tỉnh, thành có dịch được cách ly tập trung ngay từ đầu. Hiện toàn tỉnh còn hơn 2.860 trường hợp cách ly tập trung, hơn 4.300 trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú.
Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang đánh giá, số ca mắc tại An Giang có sự lây nhiễm chéo qua lại giữa các trường hợp F1 với nhau hoặc giữa các trường hợp F1 và nhân viên y tế. Nguyên nhân do sự giao lưu qua lại giữa các F1, sử dụng chung nhà vệ sinh, nhân viên y tế không tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn hoặc mặc phương tiện phòng hộ chưa đảm bảo ăn toàn khi tiếp xúc với F1 chuyển thành F0. Riêng ca mắc trong cộng đồng chủ yếu từ các tài xế vận chuyển hàng hoá đường dài, các tài công đường thủy.
Hiện An Giang có 13 cơ sở đang làm khu điều trị COVID-19. Đến ngày 8/8, An Giang đã và đang triển khai tiêm vaccine 4 đợt được 84.185 người. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2021 có tối thiểu 50% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine và đến hết quý 1/2021 có trên 70% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19.