Nhờ đó, nhiều công trình giao thông được xây dựng và đưa vào sử dụng có ý nghĩa chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh. Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang triển khai thi công được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ mang một diện mạo tích cực, vững chắc cho giai đoạn phát triển mới của tỉnh nhà.
Hoàn thiện hệ thống giao thông nội tỉnh
Qua 30 năm tái lập tỉnh, với sự nỗ lực không ngừng của toàn hệ thống chính trị qua nhiều giai đoạn, thời kì đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện và nâng cấp hệ thống giao thông nội tỉnh, từ đó đã đưa Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung có những bước chuyển mình mạnh mẽ về cả kinh tế, du lịch, thu hút đầu tư…
Theo Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận, xác định giao thông là khâu quan trọng, huyết mạch cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Hiện tại, mạng lưới đường tỉnh lộ của Bình Thuận có chiều dài hơn 700 km. Hệ thống đường huyện, đường đô thị, đường đến các trung tâm xã, thôn… cơ bản đã được liên thông, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Tổng chiều dài hệ thống đường huyện, đường đô thị, đường đến các trung tâm xã đạt gần 4.700 km.
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn hẹp, tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau như vốn Trung ương, huy động đóng góp trong nhân dân... Nhờ vậy, nhiều công trình giao thông được xây dựng và đưa vào sử dụng có ý nghĩa chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Giai đoạn từ năm 2010 - 2020 trên toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng tuyến đường nông thôn mới bê tông xi măng hơn 1.000 km với tổng kinh phí thực hiện trên 1.000 tỷ đồng. Giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ đã làm cho nhiều vùng quê khởi sắc phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, đến nay, về giao thông đường bộ, tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh với chiều dài hơn 180 km được nâng cấp hoàn thành, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh nâng cấp thêm 3 tuyến quốc lộ (quốc lộ 28, quốc lộ 28B và quốc lộ 55) với tổng chiều dài gần 250 km, tạo ra trục giao thông đối ngoại, giúp kết nối Bình Thuận với các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu… Mạng lưới đường bộ được đầu tư đã giúp kết nối thuận tiện trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện, kết nối trung tâm hành chính của huyện với hệ thống quốc lộ, tạo thành mạng lưới giao thông chính hoàn chỉnh của tỉnh.
Theo Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận, đối với tuyến giao thông đường thủy, tỉnh đã đưa vào sử dụng Cảng Phan Thiết, Cảng Phú Quý, Cảng quốc tế tổng hợp Vĩnh Tân… đảm bảo giao thông thông suốt, ổn định. Tuyến vận tải Phan Thiết - Phú Quý hiện nay với 4 tàu cao tốc và các tàu vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra đảo. Đối với các tàu cao tốc đã rút ngắn thời gian đi lại của hành khách từ đất liền ra đảo từ 6 -7 giờ di chuyển trước đây xuống còn 2,5 giờ hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Phú Quý, nhất là du lịch.
Nhờ hệ thống đường giao thông thông suốt, Bình Thuận đã thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại địa phương. Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 1.601 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư khoảng 331.800 tỷ đồng, trong đó có hơn 100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3 tỷ USD. Riêng về du lịch, toàn tỉnh có 400 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 60.000 tỷ đồng, tổng diện tích đất 6.300 ha…
Gấp rút hoàn thành dự án trọng điểm
Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tình về phía Nam, tỉnh Bình Thuận đã cho triển khai thi công các tuyến đường ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà; đường Hàm Kiệm - Tiến Thành; thi công đường ĐT.719 đoạn Kê Gà – Tân Thiện; nâng cấp, mở rộng tuyến đường ven biển 719 (đường song hành với ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà), tổng vốn đầu tư các dự án này hơn 2.500 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, đây là công trình có ý nghĩa, mang tính chiến lược lâu dài trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc đầu tư tuyến đường sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hoàn và đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế của địa phương. Dự án sẽ kết nối các khu du lịch ven biển phía Nam thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam với các dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn đã được chấp thuận đầu tư; đồng thời tuyến đường còn làm nhiệm vụ là tuyến tránh quốc lộ 1A khi xảy ra ùn tắc giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.
Để nhanh chóng hoàn thành các công trình này, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung dồn sức đẩy nhanh tiến độ phương án bồi thường, bàn giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh chỉ đạo nhà thầu thi công có mặt bằng đến đâu, tổ chức tập kết nhân lực, thiết bị xe máy để thi công đến đó; đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường theo quy định.
Đối với trục đường ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong yêu cầu các nhà thầu huy động máy móc nhân lực để đưa vào hoạt động một phần tuyến đường này trước ngày 2/9/2022 để phục vụ du khách đi lại; đồng thời cố gắng hoàn thành toàn bộ công trình trước ngày 30/4/2023.
Một công trình trọng điểm được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận trông chờ từ lâu và kỳ vọng vào giai đoạn phát triển mới của tỉnh nhà đó là tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh đang được khẩn trương thi công. Toàn tuyến cao tốc qua địa bàn có tổng chiều dài 160 km gồm 3 dự án thành phần: Đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Dự kiến tuyến đường cao tốc này sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022.
Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, khi được đưa vào khai thác, trục đường cao tốc sẽ tạo cho Bình Thuận một trục giao thông đối ngoại hiện đại, quan trọng; giúp tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối ngoại trong thời gian qua; tạo bước đột phá trong kết nối Bình Thuận với các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; từ đó tạo động lực mạnh mẽ để khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, các trục đường chính nội tỉnh sẽ kết nối giao thông cao tốc, quốc lộ 1A hướng về biển sẽ tạo ra sức hút phát triển du lịch, chuỗi đô thị ven biển về phía Nam với quỹ đất, không gian mở rất lớn. Các trục đường trọng điểm này đều nối cao tốc, quốc lộ 55 đi Bà Rịa - Vũng Tàu đến Sân bay Long Thành (Đồng Nai). Tỉnh đang kỳ vọng vào thời kỳ phát triển mới, bứt phá với các dự án đầu tư có tầm nhìn chiến lược.
Có thể thấy, các dự án giao thông trọng điểm tiếp tục triển khai thi công trong thời điểm này chính là niềm tin và kỳ vọng của chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận. Khi giao thông từ TP Hồ Chí Minh đến thành phố Phan Thiết và từ Phan Thiết đến Nha Trang (Khánh Hòa) được kết nối hoàn toàn bằng đường cao tốc, thì thành phố biển Phan Thiết sẽ là một trong những điểm đến thuận lợi, hấp dẫn và hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh nhất của ngành du lịch Việt Nam.