Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, qua địa phận thành phố Hà Nội; Hưng Yên; Bắc Ninh. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện đầu tư Dự án. Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài tuyến là 76,34 km, đi qua Thành phố Hồ Chí Minh; Đồng Nai; Bình Dương; Long An 6,81 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư. Dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án này từ năm 2022-2027.
Với tính chất là các dự án quan trọng quốc gia, để bảo đảm tiến độ đầu tư, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, Chính phủ đề xuất áp dụng các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt triển khai đầu tư dự án.
Tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Đại biểu cho rằng, quy hoạch và hình thái đô thị vùng Thủ đô, vùng Thành phố Hồ Chí Minh đều chưa phát huy được hiệu quả với hạt nhân hai siêu đô thị đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, hụt hơi với những điểm nghẽn.
Đại biểu nhấn mạnh, một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng Thủ đô với 10 tỉnh, thành phố. Đây không phải là bài toán riêng của vùng Thủ đô hay vùng Thành phố Hồ Chí Minh gặp phải. Đây là vấn đề của rất nhiều siêu đô thị trên thế giới, đều phải hình thành nên vùng Thủ đô, phát triển ra đô thị vệ tinh, đưa sản xuất, tạo việc làm, hút dân cư ra ngoài.
Đại biểu đặt vấn đề làm sao để hai dự án tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị trong việc cạnh tranh, thu hút tài nguyên và không gian tắc nghẽn, để trở thành những đô thị hiện đại có chức năng dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển cả nước.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng cần có cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên đường vành đai. Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác, đây là cao tốc của vành đai. Khi tuyến đường này hình thành, quanh đường sẽ hình thành các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối. Đại biểu nhấn mạnh, đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng, Nếu không có biện pháp khai thác, nguồn lực này sẽ bị lãng phí. Đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Hoài Trung (Thừa Thiên - Huế) bày tỏ nhất trí với chủ trương đầu tư hai dự án trên. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, qua kinh nghiệm quốc tế, khi xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng đều nảy sinh các vấn đề liên quan... Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả triển khai các dự án, đại biểu kiến nghị nên có cơ chế về chuyên môn. Ví dụ, có thể thành lập các nhóm đặc trách như những nhóm lưu động để giải quyết, hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật đối với các địa phương và các nơi khi có vấn đề.
Tìm đơn vị thiết kế có uy tín trên thế giới để thiết kế và tư vấn
Đề cập đến cơ chế chỉ định thầu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án này. Đối với các gói thầu liên quan, nhiều địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư nên việc Thủ tướng ủy quyền có nghĩa là quyền vẫn là do Thủ tướng quyết định giao cho nơi nào thực hiện.
Tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng: Hai dự án nêu trên là hai công trình “để đời cho con cháu”, cần giao Thủ tướng Chính phủ “cầm trịch”, nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất. Đồng thời, cũng nên dành nguồn vốn thích đáng cho hai dự án này, trong đó phải tìm đơn vị thiết kế có uy tín trên thế giới để thiết kế và tư vấn.
Theo đại biểu, làm được hai khâu này, phần thi công sẽ đỡ hơn rất nhiều. Cũng không cần quá vội vàng triển khai và hoàn thành dự án, có thể kéo dài nếu cần để nghiên cứu kỹ tổng thể dự án, công tác giải phóng mặt bằng, công tác thiết kế và tư vấn. Bên cạnh đó, khi giao cho các nhà đầu tư, cần cân nhắc đến các doanh nghiệp tư nhân. Thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt, bởi nếu có thiết kế và tư vấn tốt sẽ có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, nhưng cũng không kiểm tra, kiểm soát quá nhiều để các đơn vị có điều kiện, thời gian triển khai dự án.
Tranh luận lại, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc cho phép Thủ tướng quyết định chỉ định thầu, về mặt pháp lý, quyền này vẫn thuộc về Thủ tướng. Thủ tướng có thể ủy quyền theo nhu cầu cụ thể. Nếu có vấn đề phát sinh, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải có chế độ báo cáo về việc thực hiện như thế nào.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận thấy, điều đó không có nghĩa là giao việc này cho Chủ tịch các địa phương. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, chưa chắc lãnh đạo các địa phương này đã mặn mà, do đó, sẽ có xu hướng giao hết cho Thủ tướng.
Liên quan đến vấn đề khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc, qua khảo sát ở nước ta và nhiều nước khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn chứng, việc khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc không đúng sẽ gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều quốc gia phải xây bức tường trên đường cao tốc để ngăn cách với các khu dân cư. Do đó, đại biểu đề nghị việc khai thác quỹ đất xung quanh hai bên đường cao tốc cần phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, học tập các nước.
“Thông thường các nước làm những đường thoát vào trong đó mấy trăm mét mới có một khu siêu thị, khu dân cư, còn các đường cao tốc, chỉ cho phép các trạm xăng, các điểm dừng chân, ăn uống nhẹ, chứ không cho phép các khu dân cư mở để cắm vào con đường cao tốc như cách chúng ta làm hiện tại”, đại biểu nêu rõ.
Hành lang giao thông - kinh tế
Tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của cả hai dự án đối với hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giải quyết được điểm nghẽn về quy hoạch không gian của đô thị, về hạ tầng giao thông của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặt khác, chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội đã coi là hạ tầng là một trong ba chiến lược đột phá để phát triển. Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị và lần này được Quốc hội ủng hộ, tạo điều kiện cho các cơ chế, chính sách đặc thù để Chính phủ, các bộ, các ngành, địa phương có thể thực hiện được đồng bộ nhiều dự án giao thông quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, mục đích các dự án lần này có sự thay đổi về cách tiếp cận. Theo đó, phải đảm bảo được kết nối vùng, liên kết vùng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; phải mở rộng được không gian phát triển cho hai thành phố và cho cả vùng; nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến nó thành một động lực cho phát triển. Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra cho Nhà nước - nhà đầu tư - người dân, hài hòa lợi ích...
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến các đại biểu xây dựng báo cáo tiếp thu giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh trình Quốc hội xem xét thông qua.