Thực hiện Đề án sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định số 3507/QĐ-UBND ngày 18/9/2017, các địa phương đã sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố mới. Đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện, các thôn, tổ dân phố, khu dân cư mới hoạt động ổn định, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, nhiều địa phương đang đối diện tình trạng “thừa, thiếu” nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng của người dân tại các khu dân cư.
Do không đủ số hộ, số khẩu và diện tích theo quy định, thôn Vụ Bản 1 và Vụ Bản 2, xã Xuân Dương, huyện miền núi Thường Xuân sáp nhập thành thôn Vụ Bản. Sáp nhập thôn, bản tổ dân phố đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc tinh gọn bộ máy, thuận tiện cho công tác quản lý nên được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, có thực tế là sau sáp nhập, số hộ dân của thôn mới tăng lên nhưng sử dụng nhà văn hóa cũ nên dẫn đến nhiều nhà văn hóa quá tải, xuống cấp và chưa được đầu tư đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Sau khi sáp nhập 2 thôn Vụ Bản 1 và 2, số hộ dân trong thôn tăng lên gấp đôi khoảng 400 hộ, trong khi vẫn sử dụng nhà văn hóa cũ của thôn Vụ Bản 1 để sinh hoạt, dẫn đến tình trạng thiếu chỗ ngồi, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức buổi họp thôn.
Bà Lê Thị Chức, xã Xuân Dương cho biết, hiện nay, nhà văn hóa đã xuống cấp nhiều năm chưa được đầu tư sửa chữa, cùng với việc sáp nhập thôn nên số lượng người sinh hoạt tăng lên gấp đôi, không đủ chỗ ngồi. Nhiều buổi họp thôn, người dân tham gia đi họp chỉ đạt được 20 - 30% số lượng triệu tập. Để khắc phục tình trạng trên, vào dịp tiếp xúc cử tri hay ngày Đại đoàn kết toàn dân, thôn phải thuê, mượn bàn, ghế kê ở ngoài sân nhà văn hóa. Năm 2022, do nhà văn hóa quá chật chội nên nhân dân kiến nghị UBND xã trích kinh phí lợp thêm mái tôn bên ngoài cho người dân có nơi hội họp, sinh hoạt. Thế nhưng, việc này đang gặp khó khăn do thiếu kinh phí.
Lý giải về tình trạng này, theo ông Cầm Bá Thịnh, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Thường Xuân, sau khi sáp nhập, số hộ, số khẩu tăng lên, quy mô các nhà văn hóa cũ của thôn, tổ dân phố không còn phù hợp. Trong khi đó, để xây dựng nhà văn hóa mới quy mô đáp ứng yêu cầu cho các thôn mới sau sáp nhập cần nguồn kinh phí lớn, số kinh phí này chủ yếu được huy động từ nhân dân nên cần thời gian. Vì vậy, người dân cũng như chính quyền địa phương có nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập thôn, tổ dân phố mong muốn tỉnh có cơ chế cho chuyển nhà văn hóa dôi dư sang bán đấu giá đất ở. Nguồn tiền thu được dành tái đầu tư xây mới hoặc cơi nới, nâng cấp cải tạo lại nhà văn hóa được sử dụng cũng như đầu tư thêm trang thiết bị cho phù hợp với dân số thôn, tổ dân phố sau sáp nhập.
Hiện có nhiều thôn, bản của huyện chưa có nhà sinh hoạt văn hóa, khu tập luyện thể thao hoặc có nhưng chưa kiên cố, đã xuống cấp. Những năm gần đây, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của huyện có sự phát triển vượt bậc, tuy nhiên nguồn thu ngân sách vẫn chưa đảm bảo chi hỗ trợ đầu tư các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu của địa phương, nhất là nhà văn hóa thôn, bản chưa phải là công trình ưu tiên hàng đầu của huyện…, ông Cầm Bá Thịnh cho biết thêm.
Cũng trong tình trạng tương tự, sau khi sáp nhập tổ 1 phố 2 và tổ 2 phố 2 thành khu phố Chí Linh, thị trấn Lang Chánh, huyện miền núi Lang Chánh, nhà văn hóa cũ của thôn Chí Linh trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của hơn 300 hộ dân. Tuy nhiên, theo thiết kế, nhà văn hóa chỉ đáp ứng được khoảng hơn 100 hộ nên hiện việc sinh hoạt của nhân dân tại nhà văn hóa gặp nhiều khó khăn. Chưa kể đến việc nhà văn hóa xây dựng cách đây hơn 20 năm nên các hạng mục xuống cấp nghiêm trọng; tường nứt nẻ, nền nhà sụt lún, ẩm thấp; trang thiết bị như bàn, ghế, loa đài… đều thiếu và chưa được đầu tư tại thôn.
Ông Trần Anh Quang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lang Chánh cho biết, thực hiện Đề án sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố, thị trấn đã sáp nhập 10 thôn thành 5 thôn. Theo đó, tính theo phạm vi, khoảng cách, các hộ dân sau khi sáp nhập sẽ dồn về một nhà văn hóa để sinh hoạt chung. Điều này dẫn đến các nhà văn hóa đều trong tình trạng quá tải và chưa được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu mới. Địa phương mong muốn UBND huyện có chính sách hỗ trợ cải tạo, nâng cấp các nhà văn hóa thôn, phố ở vị trí phù hợp cho việc đi lại và sinh hoạt của dân cư song về chỗ ngồi, điều kiện trang thiết bị không đảm bảo.
Thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn dôi dư hơn 1.578 nhà văn hóa. Các nhà văn hóa đang sử dụng phần lớn đã quá tải, xuống cấp, ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Ông Nguyễn Giang Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho hay, tỉnh đang chỉ đạo các huyện rà soát các xã về diện tích tự nhiên, quy mô dân số tại thôn bản để lên kế hoạch sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Sau khi có kết quả rà soát, Sở tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau đó trình Bộ Nội vụ xem xét phê duyệt phương án. Sau khi được Bộ Nội vụ phê duyệt, tỉnh Thanh Hóa tiến hành đề án sắp xếp cấp huyện, xã trong giai đoạn 2023-2025 một cách hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân.
Các địa phương trên cơ sở định hướng giải pháp về xây dựng cơ sở vật chất sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố cần chủ động tìm ra giải pháp khắc phục bất cập trong việc sử dụng nhà văn hóa sau sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025 để nhà văn hóa thực sự trở thành không gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân.