Việc sắp xếp, sáp nhập các cơ quan, đơn vị, địa phương giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã giúp giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên công tác quản lý tổ chức bộ máy; quản lý sử dụng đất và tài sản của các cơ quan, đơn vị, địa phương sau sắp xếp, sáp nhập vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc xử lý số cán bộ còn dôi dư, xử lý tài sản là trụ sở dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập.
Nhiều tài sản xuống cấp, hư hỏng vẫn đang chờ xử lý
Giai đoạn 2019-2021, huyện Cẩm Khê thực hiện sáp nhập 3 xã Đồng Cam, Phương Xá và Phùng Xá thành xã Minh Tân; 3 xã Thanh Nga, Sơn Nga, Sai Nga và thị trấn Sông Thao thành thị trấn Cẩm Khê; 3 xã Hiền Đa, Cát Trù và Tình Cương thành xã Hùng Việt. Theo ghi nhận, tại huyện Cẩm Khê, cả 3 trụ sở cũ là Thanh Nga, Sơn Nga, Sai Nga sau sáp nhập đều đang không được sử dụng và bỏ hoang. Trong khi đó, cơ sở vật chất của trụ sở xã Sai Nga (cũ) đến nay vẫn còn rất mới, với tòa nhà Ủy ban là công trình mới chỉ đưa vào sử dụng hơn 2 năm, sau đó bỏ hoang đến nay.
Hạ Hòa là một trong những huyện có số xã sáp nhập lớn nhất tỉnh Phú Thọ với 33 xã. Sau khi sáp nhập, số đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện giảm xuống còn 20 xã, đồng nghĩa với dư thừa 13 trụ sở xã cũ. Theo phương án sử dụng, tất cả trụ sở các xã cũ sau sáp nhập được bố trí làm điểm tiếp nhập và trả kết quả của UBND xã mới. Tuy nhiên, do không thuận lợi, hầu hết các trụ sở cũ đều bỏ không. Một số xã sử dụng hội trường làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Một số xã trước đây còn tận dụng sở sở vật chất cho doanh nghiệp thuê lại.
Theo báo cáo của đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập các cơ quan, đơn vị, địa phương, kết quả: Đối với cấp tỉnh, giữ nguyên các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh gồm 19 sở và các cơ quan ngang sở; tăng thêm 8 phòng chuyên môn thuộc sở so với năm 2020; giảm một chi cục (giải thể Chi cục Văn thư - Lưu trữ thuộc Sở Nội vụ); giảm 14 phòng thuộc chi cục. Đối với cấp huyện, giữ nguyên 13 huyện, thành, thị; số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không thay đổi.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 69 đơn vị sự nghiệp công lập trên toàn tỉnh so với năm 2020. Đối với cấp xã, tỉnh đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 28 đơn vị hành chính cấp xã cấp xã mới, giảm 52 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính cấp xã phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế của địa phương.
Tuy nhiên, sau hơn hai năm sắp xếp, sáp nhập, việc quản lý sử dụng đất và tài sản của các cơ quan, đơn vị, địa phương sau sắp xếp, sáp nhập vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Hầu hết trụ sở, tài sản công trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn chưa được xử lý. Việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng trụ sở của UBND cấp xã sau sắp xếp, sáp nhập gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng phương án điều chuyển, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất một số trụ sở, tài sản dôi dư sau sắp xếp của các địa phương tiến hành chậm.
Cá biệt có địa phương UBND cấp xã ký hợp đồng cho thuê trụ sở UBND xã vào mục đích sản xuất kinh doanh không đúng quy định; còn có xã mới được sáp nhập chưa thành lập hội đồng kiểm kê tài sản, công cụ dụng cụ để thực hiện các thủ tục bàn giao theo quy định. Còn có đơn vị trúng đấu giá tài sản gắn liền với đất không thực hiện theo đúng Quyết định của UBND tỉnh về công nhận kết quả trúng đấu giá và thông báo nộp tiền sử dụng đất của Cục thuế tỉnh.
Việc xây dựng phương án đề xuất bố trí, sắp xếp trụ sở các cơ quan, đơn vị dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn các huyện còn chậm. Đáng chú ý, không ít huyện còn chưa đề xuất phương án xử lý như: Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê… Riêng thành phố Việt Trì còn trụ sở UBND xã Tân Đức cũ; huyện Phú Ninh còn trụ sở xã Bình Bộ cũ, Vĩnh Phú cũ, chưa có phương án xử lý. Bên cạnh đó một số huyện như Phù Ninh, Thanh Ba, Hạ Hòa, Tam Nông, Cẩm Khê và thị xã Phú Thọ chưa đề xuất phương án xử lý việc chuyển giao các nhà văn hóa, trạm y tế, trụ sở UBND xã về địa phương quản lý. Còn 7 huyện gồm Lâm Thao, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Yên Lập có 2 trụ sở Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, đến nay vẫn chưa đề xuất phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất sau khi tổ chức lại.
Bên cạnh đó, một số địa phương sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã cũng đã cắt giảm nhiều trạm y tế nhưng chưa kịp thời có phương án chuyển đổi thành điểm trạm và duy trì hoạt động tại các cơ sở y tế bị cắt giảm, phần nào tác động khó khăn cho người dân, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cơ sở…
Còn nhiều công chức xã dôi dư khó sắp xếp
Theo báo cáo của đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh có tổng số cán bộ, công chức cấp xã ở các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp, sáp nhập là 1.532 người, trong đó số cán bộ, công chức bố trí theo quy định ở 28 đơn đơn vị hành chính mới là 602 người; số cán bộ, công chức dôi dư so với biên chế quy định 930 người.
Đến nay, các huyện, thành, thị sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện giải quyết được cán bộ, công chức dôi dư 592 người, hiện tại còn lại 338 người thuộc diện dôi dư, trong đó nhiều nhát là huyện Thanh Ba còn dôi dư 78 người; huyện Tam Nông còn dôi dư 79 người.
Bên cạnh đó, việc quản lý, bố trí, sắp xếp công việc cho các chức danh công chức, viên chức dôi dư hiện nay cũng chưa đảm bảo so với các quy định. Số lượng cấp phó ở một số đơn vị dôi dư nhiều, gây khó khăn trong việc bố trí công tác. Cá biệt tại huyện Tam Nông một số vị trí lãnh đạo phải bố trí nhiều hơn các đơn vị khác 1 người, như chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy của 3 xã Vạn Xuân, Bắc Sơn, Lam Sơn. Riêng tại huyện Thanh Ba còn dôi dư 21 Phó Hiệu trưởng, trong đó Phó Hiệu trưởng trường mầm non dư 5, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học dư 10; Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở dư 6...
Khó giải quyết chế độ chính sách cho số cán bộ dôi dư, nhiều huyện đang “cầu cứu” tỉnh và Trung ương tiếp tục có hướng giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập. Trong đó huyện Hạ Hòa kiến nghị với Chính phủ xem xét tăng mức trợ cấp chi trả chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác vận động thực hiện tinh giản biên chế.
Huyện Phù Ninh kiến nghị tỉnh cần có chính sách tăng mức hỗ trợ và có hướng dẫn cụ thể đối với cán bộ, công chức chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi nhưng có nguyện vọng thôi việc ngay. Các huyện Đoan Hùng, Thanh Ba kiến nghị với tỉnh cần mở rộng các đối tượng không chỉ ở các xã sáp nhập mà cả các xã không thực hiện sắp xếp, sáp nhập để khuyến khích các đối tượng có nguyện vọng và giảm số lượng biên chế.
Bên cạnh đó, một số địa phương đề nghị Bộ Nội không trừ biên chế do bố trí công an chính quy vào số lượng cán bộ, công chức được giao theo loại xã để có thêm vị trí bố trí công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, vì thực tế hiện nay chức danh Trưởng Công an xã không còn nằm trong quỹ lương cán bộ, công chức xã và không thuộc thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức của Chủ tịch UBND cấp xã.
Đồng thời, các địa phương đề nghị tỉnh nghiên cứu xem xét, cho chủ trương về việc bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách ở khu dân cư hoặc khoán kinh phí để có thể bố trí thêm chức danh Phó Khu dân cư tại các khu dân cư mới thành lập sau sáp nhập có dân số đông, địa bàn rộng để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành của UBND cấp xã thuận lợi hơn...