Cần cấp đủ vốn để hoàn thành con đường huyết mạch lên Mường Nhé

Sau khi Báo Tin tức đăng bài “Đường lên Mường Nhé chờ vốn để hoàn thành” ra ngày 17/5, Báo Tin tức đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, người dân địa phương và ngành giao thông tỉnh Điện Biên. Để hiểu rõ hơn tính cấp bách phải hoàn thành con đường huyết mạch lên huyện biên giới Mường Nhé, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, ổn định đời sống đồng bào vùng dân tộc ở vùng biên viễn cực tây của Tổ quốc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Giang (ảnh), Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Điện Biên về vấn đề này.

 

Thưa ông, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư các công trình giao thông khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Điện Biên có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh?


Tháng 10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 320/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006-2020, trong đó tuyến đường vành đai biên giới phía bắc tỉnh Điện Biên, gồm các dự án: Na Pheo - Si Pa Phìn, Si Pa Phìn - Mường Nhé, Mường Nhé - Pắc Ma - A Pa Chải. Hệ thống đường giao thông này nối liền với QL12 tại Na Pheo tạo thành mạng lưới giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng (ANQP) và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh Điện Biên.


Kể từ năm 2011 trở về trước, các dự án xây dựng đường Si Pa Phìn - Mường Nhé dài 100 km, dự án cải tạo nâng cấp QL12 dài 56 km và dự án xây dựng đường Mường Nhé - Pắc Ma - A Pa Chải dài 80 km luôn được Chính phủ và các bộ, ngành bố trí đủ vốn để thi công theo tiến độ dự án. Đặc biệt, năm 2011, trước yêu cầu đảm bảo giao thông phục vụ nhiệm vụ ANQP, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 1190/TTg-KTTH về việc cho dự án xây dựng đường Si Pa Phìn - Mường Nhé ứng trước 100 tỷ đồng bằng vốn trái phiếu Chính phủ của năm 2012 để đẩy nhanh tiến độ thi công và giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ GTVT bố trí vốn kế hoạch năm 2012 sớm triển khai đúng tiến độ.


 

Đường lên Mường Nhé (Điện Biên). Ảnh: CTV

 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, trong đó năm 2012 bố trí 100 tỷ đồng cho dự án Si Pa Phìn - Mường Nhé, 70 tỷ đồng cho dự án QL12 và 85 tỷ đồng cho dự án Mường Nhé - Pắc Ma - A Pa Chải để ba dự án này sớm hoàn thành đưa vào sử dụng và Bộ GTVT đã đề nghị thu nợ kế hoạch vốn ứng trước vào năm 2013. Đến nay, Sở GTVT tỉnh Điện Biên (đơn vị được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư) đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, nhà thầu thực hiện cơ bản hoàn thành dự án QL12, dự án Mường Nhé - Pắc Ma - A Pa Chải. Khi hai dự án này có vốn sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2012, riêng dự án Si Pa Phìn - Mường Nhé đến nay đã xong nền, móng đường, công trình thoát nước. Nếu có đủ vốn sẽ hoàn thành vào cuối 2013, đúng kế hoạch.


Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 5/2012, các dự án vẫn chưa được bố trí vốn, điều đó ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tổ chức xây dựng dự án của chủ đầu tư, khiến các nhà thầu chậm thi công. Trong khi đó, công tác đảm bảo giao thông trên địa bàn huyện Mường Nhé hết sức khó khăn, đặc biệt mùa mưa lũ đang tới gần, tình hình mất an ninh trật tự vùng biên giới còn nhiều tiềm ẩn... Từ đó cũng dẫn tới việc thực hiện Quyết định 141/QĐ-TTg ngày 31/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp ổn định dân di cư tự do huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên giai đoạn 2008-2012 gặp nhiều khó khăn do đường giao thông ra biên giới không thuận lợi và mất an toàn.

 

Vậy đâu là nguyên nhân làm chậm tiến độ thi công dự án, thưa ông?


Nguyên nhân là do Bộ KH&ĐT chưa bố trí vốn cho khối lượng điều chỉnh dự án tăng thêm so với dự án được duyệt ban đầu vì quan niệm đây là tăng điều chỉnh quy mô dự án. Trước yêu cầu của Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT đã có giải trình tại Văn bản số 3077/BGTVT-KHĐT ngày 23/4/2012 và khẳng định sự đúng đắn, hợp lý đảm bảo quy định của pháp luật đối với việc điều chỉnh dự án cho 37 dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ theo yêu cầu của Bộ KH&ĐT.


Vì vậy, ở đây tôi thấy cần phải nói rõ: Khái niệm về qui mô dự án hoàn toàn khác với khái niệm về chất lượng dự án. Nếu một khi đánh đồng hai khái niệm này để không cấp vốn cho khối lượng điều chỉnh dự án tăng thêm trong trường hợp của các dự án đường giao thông tại huyện Mường Nhé (Điện Biên) hiện nay là không hợp lý. Bởi vì khái niệm quy mô của dự án giao thông theo tuyến phải được hiểu là cấp hạng tuyến đường như: Cấp I, II, III... VI và theo đó tương ứng với mỗi cấp hạng quy mô có quy phạm kỹ thuật bắt buộc do lưu lượng, mật độ xe, kích thước nền, mặt đường, vận tốc xe chạy. Bán kính đường cong tối thiểu, tốc độ dọc tối đa, tổng số đường cong... Còn dự án được thiết kế nhiều cống hay ít cống, nhiều cầu hay ít cầu, làm cầu hay làm ngầm tràn liên hợp... tất cả chỉ thể hiện chất lượng của dự án chứ không phải là quy mô của dự án. Quy mô của dự án thì không thể thay đổi nhưng chất lượng của dự án thì khác, nó phải luôn phù hợp với các điều kiện kỹ thuật, kinh tế, xã hội của giai đoạn lịch sử kinh tế nhất định và sẽ được điều chỉnh bổ sung khi có điều kiện phù hợp để tương thích sự phát triển.


Chính vì vậy khi dự án giao thông được điều chỉnh bổ sung thêm khối lượng: Cống, cầu, kè, xử lý kỹ thuật nền, mặt đường, an toàn giao thông... thì chỉ là bổ sung chất lượng cho dự án chứ không phải làm thay đổi quy mô dự án. Như vậy các dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt đều không phải duyệt điều chỉnh tăng quy mô vì sau khi phê duyệt cấp hạng đường của dự án vẫn giữ nguyên như cấp hạng đường của dự án phê duyệt ban đầu. Trong đó các khối lượng duyệt bổ sung chủ yếu là xử lý kỹ thuật thông thường như: Xử lý sạt trượt, mở rộng đường cong hẹp, tăng chiều dày mặt đường, bổ sung an toàn giao thông, thay đổi tăng do tiền lương, tăng giá vật tư vật liệu hoặc bổ sung giải phóng mặt đường... Như vậy, phần tăng thêm chủ yếu là do nguyên nhân thiên tai và bất khả kháng cũng như những thay đổi bổ sung để nâng cao chất lượng dự án phù hợp với sự phát triển của vận tải, trong khi đó tình trạng đường hiện nay mật độ xe quá khổ, quá tải ngày càng tăng. Điều 40 của Luật Xây dựng, nêu rõ: Dự án công trình phê duyệt được điều chỉnh khi có những trường hợp như: Do thiên tai, dịch họa hoặc các yếu tố bất khả kháng, xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn thì được phép điều chỉnh. Vậy nên việc điều chỉnh dự án xây dựng đường Si Pa Phìn - Mường Nhé và dự án cải tạo nâng cấp QL12, dự án đường Mường Nhé - Pắc Ma - A Pa Chải là điều bình thường và hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với Luật Xây dựng.


Thiết nghĩ, để công trình được cấp đủ vốn để tiếp tục thi công đúng tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, sớm đưa công trình vào sử dụng để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm ANQP, phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Bộ KH&ĐT cần xem xét, tham mưu trình Chính phủ bố trí vốn cho dự án. Đây là tuyến đường dọc biên giới kết nối giữa thành phố Điện Biên Phủ với huyện Mường Nhé, lại là tuyến đường độc đạo. Đây cũng là dự án trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần triển khai kịp thời, tránh gây ách tắc giao thông, cản trở sự phát triển chung của cả vùng. Nếu chậm bố trí vốn cho các dự án trên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công, trong khi các đơn vị xây lắp đã đưa thiết bị, máy móc và nhân lực ra hiện trường, hàng ngày phải nằm chờ vốn.


Xin trân trọng cảm ơn ông!


Nguyễn Viết Tôn (thực hiện)

Đường lên Mường Nhé chờ vốn để hoàn thành
Đường lên Mường Nhé chờ vốn để hoàn thành

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hệ thống đường giao thông từ tỉnh đến huyện của Điện Biên đã được đầu tư, nâng cấp tương đối đồng bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN