Đường lên Mường Nhé chờ vốn để hoàn thành

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hệ thống đường giao thông từ tỉnh đến huyện của Điện Biên đã được đầu tư, nâng cấp tương đối đồng bộ. Nhờ có đường giao thông thông suốt mà những bản làng của Chà Cang, Pa Tần, Nậm Kè, Mường Nhé, Chung Chải, Lenh Su Sìn... cho đến Sín Thầu của huyện Mường Nhé đã không còn xa cách nữa. Tốc độ cũng như chất lượng tăng trưởng của Điện Biên ngày càng cao trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng là nhờ có sự đóng góp quan trọng của hệ thống đường giao thông.


Ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên, cho biết: Nếu như những năm 90 của thế kỷ trước, để đến được Mường Nhé chúng ta phải đi bộ vài ngày đường. Nhưng nay, nhờ có sự đầu tư nguồn vốn của Bộ GTVT, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đã ra sát đường biên giới góp phần giúp nhân dân các dân tộc vùng biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.


Đường lên Mường Nhé chờ vốn để hoàn thành.

 

Mường Nhé là địa bàn có đường biên giới chung với 2 nước Trung Quốc và Lào, với diện tích gần 250.000 ha, địa phương này có gần 10.000 hộ dân thuộc 11 dân tộc anh em là Mông, Thái, Hà Nhì, Kinh, Dao... sinh sống. Thời gian qua, Sở GTVT Điện Biên được Bộ GTVT giao làm chủ 5 dự án giao thông bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trong đó có 3 dự án đường cấp IV, VI miền núi, gồm: QL12 dài 56 km (đoạn từ Km139+650 - Km192+700 và Km194+300 - Km196+015), dự án đường Mường Nhé - Pắc Ma - A Pa Chải dài 80 km, dự án đường Si Pa Phìn - Mường Nhé dài 100 km. Cả ba dự án này có tổng nguồn vốn đầu tư 2.436 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn hai dự án là cải tạo nâng cấp QL279 (từ Km268 - Km287) và dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường từ Na Pheo đi Si Pa Phìn (từ Km0 - Km47) cũng được Bộ GTVT quan tâm đầu tư. Đến nay, 4/5 dự án đã cơ bản hoàn thành và sẽ kết thúc đầu tư trong năm nay. Được biết, từ năm 2011 trở về trước, Chính phủ và Bộ GTVT luôn bố trí đủ vốn theo tiến độ của dự án, nhưng đến thời điểm này, Bộ GTVT mới bố trí vốn cho hai dự án nâng cấp tuyến Na Pheo đi Si Pa Phìn và QL279 với tổng kinh phí khoảng 22 tỷ đồng.


Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được biết nguyên nhân chậm vốn là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT giải trình việc tăng tổng mức đầu tư của 3 dự án (QL12, Mường Nhé - Pắc Ma - A Pa Chải và Si Pa Phìn - Mường Nhé) do tăng khối lượng. Lý giải về việc này, ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên cho rằng: Trong quá trình tổ chức thi công, khi gặp nền đất yếu, sụt trượt... gây nguy hiểm cho tuyến đường thì chủ đầu tư sẽ điều chỉnh những hạng mục thông thường, xử lý kỹ thuật tránh nguy cơ gây sạt lở. Ngoài ra là gia tăng điều chỉnh do giá cả vật liệu tăng cao. Việc tăng vốn là bình thường và cần thiết. Việc xử lý kỹ thuật bổ sung qui mô để phù hợp với tuyến đường vận tải, phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng như cải tạo đường cong, bán kính quá nhỏ, tăng cường độ mặt đường, cạp mở rộng mặt đường là sự đáp ứng khách quan phù hợp với tốc độ phát triển của vận tải, đáp ứng yêu cầu của quốc phòng và xu hướng phát triển bền vững của cả vùng.


Việc đầu tư tuyến đường giao thông huyết mạch ra biên giới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, đồng thời giúp đồng bào vùng dân tộc ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là dự án trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm chỉ đạo cần triển khai kịp thời, tránh gây ách tắc giao thông, cản trở sự phát triển chung của cả vùng. Nếu chậm bố trí vốn cho các dự án trên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Tranh thủ các tháng mùa khô thuận lợi cho xây dựng cơ bản giao thông các đơn vị xây lắp đã đưa thiết bị, máy móc và nhân lực ra hiện trường, hàng ngày phải nằm chờ vốn để tiếp tục thi công. Mùa mưa 2012 đang đến gần, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khó lường, nếu dự án không có vốn sẽ dẫn tới việc đảm bảo giao thông thông suốt liên tục là vô cùng khó khăn.


Để “miền núi tiến kịp miền xuôi”, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc vùng biên giới vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống thì cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước, trong đó có hệ thống giao thông. Mường Nhé, nơi cực Tây của Tổ quốc, cũng là huyện thành lập sau và khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên nhưng nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước nên đã được tập trung ưu tiên cho nhiều chương trình dự án lớn để xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng và ổn định dân cư nơi phên dậu của Tổ quốc.

 

Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN