Chuyên gia Australia chia sẻ các biện pháp giảm nhẹ triệu chứng COVID-19 tại nhà

Giới chuyên gia y tế Australia đã đưa ra các biện pháp giúp người dân có thể giảm bớt các triệu chứng tại nhà và cách xử lý nếu phải nhập viện.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại một điểm xét nghiệm di động ở Sydney, Australia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo bài viết đăng tải trên trang theguardian.com ngày 17/4, trong tuần qua, Australia đã ghi nhận trên 360.000 ca COVID-19 mới và gần 500.000 người vẫn đang phải cách ly vì dương tính với virus SARS-CoV-2. Nhờ tiêm vaccine và biến thể Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng hơn, nên phần lớn người mắc COVID-19 sẽ có các triệu chứng có thể tự điều trị tại nhà. Theo đó, giới chuyên gia y tế Australia đã đưa ra các biện pháp giúp người dân có thể giảm bớt các triệu chứng tại nhà và cách xử lý nếu phải nhập viện.

Australia đã cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với bệnh nhân COVID-19 nhằm giúp người dân tự đánh giá các triệu chứng bệnh, trong đó có đường dây nóng 1800 675 398 về dịch bệnh COVID-19, dịch vụ Health Direct của chính phủ liên bang và hướng dẫn của Đại học Bác sĩ đa khoa Hoàng gia Australia (RACGP).

Tiến sĩ Suzi Nou, bác sĩ gây mê ở Melbourne, người quản lý các bệnh nhân COVID-19 trong cộng đồng, cho rằng uống đủ nước là biện pháp quan trọng sau khi phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo bà Nou, kể từ khi dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron lây lan mạnh, số lượng các bệnh nhân COVID-19 chủ yếu xuất hiện các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa, nhất là ở trẻ em và thanh thiếu niên, ngày càng gia tăng. Các triệu chứng gây mất nước đó là tiêu chảy, nôn mửa cũng như buồn nôn, chán ăn, sụt cân. Trong trường hợp này, bà Nou khuyên bệnh nhân tránh đồ ăn cay nóng và giàu chất béo, đồng thời tăng thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa. 

RACGP cũng khuyên bệnh nhân uống đủ nước và cân nhắc việc sử dụng các loại dung dịch bù nước cũng như chất điện giải qua đường uống. Để tránh mất nước, bệnh nhân nên uống nước trước khi cảm thấy khát. Cách nhận biết người bệnh có uống đủ nước hay không là theo dõi màu sắc của nước tiểu, màu vàng nhạt là đã uống đủ nước. 

Đối với các triệu chứng ho và khó thở nhẹ, Tiến sĩ Nou khuyên người bệnh nằm nghiêng thay vì nằm ngửa vì nằm nghiêng có thể cải thiện nồng độ oxy trong máu. Tuy nhiên, nếu tình trạng khó thở ngày càng trầm trọng, choáng hay ngất xỉu, môi hoặc mặt tái xanh, bệnh nhân cần nhập viện để được chăm sóc. Trong khi đó, RACGP cho rằng thuốc xịt mũi có thể giảm các triệu chứng nghẹt mũi. 

Theo Tiến sĩ Nou, nếu người bệnh cảm thấy mệt mỏi thì nên nghỉ ngơi vì đó là dấu hiệu cho thấy não cũng bị ảnh hưởng. Các triệu chứng thường gặp khác là khó tập trung, thay đổi thị giác và rối loạn tâm lý. Bà Nou khuyên bệnh nhân giảm thời gian xem tivi hay sử dụng điện thoại, máy vi tính, vì tình trạng mệt mỏi có thể kéo dài sau đợt nhiễm trùng cấp tính. Do đó, một số người khi quay trở lại làm việc hay học tập có thể phải thực hiện theo từng giai đoạn. 

Giới chuyên gia Australia nhận định ngủ đủ giấc và một chế độ ăn uống đủ chất có thể giúp thúc đẩy hệ miễn dịch, nhưng biện pháp bảo vệ tốt nhất trước COVID-19 vẫn là các biện pháp sức khỏe cộng đồng như tiêm vaccine, đeo khẩu trang và đảm báo thông gió.

Trần Quyên (TTXVN)
Australia dỡ bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 đối với du khách quốc tế
Australia dỡ bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 đối với du khách quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, bắt đầu từ ngày 18/4, hơn hai năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Australia đã chính thức dỡ bỏ quy định yêu cầu khách du lịch quốc tế phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay tới nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN