Mặc dù cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc được gần 4 thập kể, song đề tài về cuộc chiến tranh Việt Nam tiếp tục là chủ đề được quan tâm tại một cuộc triển lãm ảnh trong khuôn khổ Liên hoan ảnh báo chí quốc tế lần thứ 26 có tên "Visa pour l’image" (tạm dịch: Dấu chứng thực cho hình ảnh) được tổ chức từ ngày 30/8 - 14/9 tại thành phố Perpignan, miền nam nước Pháp. Quang cảnh tại sự kiện. Ảnh: visapourlimage.com |
Tại cuộc triển lãm, 8 bức ảnh do các phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Hứa Kiểm, Mai Nam thực hiện trong giai đoạn 1966 - 1973, mô tả sự khốc liệt của cuộc chiến tranh cũng như tinh thần quả cảm của người lính "Bộ đội Cụ Hồ", yếu tố quyết định làm nên thắng lợi cho cuộc chiến đấu gian khổ nhưng vẻ vang của dân tộc ta chống lại kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các phóng viên và công chúng quốc tế có mặt tại triển lãm.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, phóng viên ảnh người Pháp Patrick Chauvel, người đã từng chạm trán với cái chết tại các trận chiến đẫm máu bên những quả đồi không tên trong các cánh rừng Tây Nguyên, cho biết: "Lần đầu tiên, chúng tôi được biết tới những hình ảnh này. Những hình ảnh ghi lại bởi các phóng viên ảnh ở bên kia chiến tuyến đã kể lại cho chúng tôi một câu chuyện khác về cuộc chiến tranh Việt Nam".
Theo ông, trong giai đoạn 1966 - 1975, rất nhiều phóng viên ảnh phương Tây đã đến đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam. Rất nhiều cái tên đã trở nên nổi tiếng như Larry Burrow, Duncan, Burnett, Don McCullin, Philip Jones Griffiths, Henri Huet… Có thể nói đây là giai đoạn vàng cho phóng viên ảnh, bởi vì nhiều bức ảnh tố cáo chiến tranh đã trở thành huyền thoại, góp phần ngăn cản chính sách hiếu chiến của Mỹ nhằm vào Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có những người chỉ nhìn cuộc "xung đột" bằng "góc nhìn từ phía Mỹ" hoặc của những người "phương Nam".
Ông cũng không che giấu tình cảm và sự ngưỡng mộ của mình đối với những phóng viên ảnh "phương Bắc", những người mà theo ông đã làm việc miệt mài dưới các đợt ném bom rải thảm của máy bay B52, dọc theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, hoặc ngay tại tâm của những trận đánh ác liệt, giữa những "chảo lửa". "Là phóng viên họ cũng đồng thời là chiến sĩ. Chúng tôi tự hào và hạnh phúc khi được giới thiệu câu chuyện của họ ngày hôm nay", ông nói.
Nhân dịp này, ông cũng đã cho ra mắt cuốn sách "Những phóng viên ảnh miền Bắc" do chính ông biên soạn và được Nhà xuất bản Arènes vừa mới ấn hành. Cuốn sách tập hợp 140 bức ảnh của nhiều phóng viên ảnh chiến trường như Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Lương Nghĩa Dũng, Minh Đạo, Đậu Ngọc Đản, Vũ Ba, Hứa Kiểm, Mai Nam...
Cuốn sách cũng dành một phần để giới thiệu về Thông tấn xã Việt Nam, hãng thông tấn đã có những đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến với hơn 260 phóng viên-chiến sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Đây cũng chính là cái nôi đã cho ra lò một thế hệ phóng viên ảnh được tôi luyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những người chỉ được trang bị những thiết bị thô sơ, nhưng bằng nhiệt huyết và sự sáng tạo của tuổi trẻ, đã kịp ghi lại những thời khắc lịch sử của dân tộc bằng những tác phẩm tuyệt vời.
Liên hoan ảnh báo chí quốc tế "Visa pour l’image" được tổ chức hàng năm tại thành phố Perpignan nhằm giới thiệu và bình chọn những tác phẩm xuất sắc do các phóng viên nhiếp ảnh chuyên nghiệp thực hiện về các vấn đề thời sự thuộc các chủ đề khác nhau như chiến tranh, thiên nhiên, môi trường, dân cư, tôn giáo…
Liên hoan ảnh quốc tế năm nay dành sự quan tâm đặc biệt đối với các cuộc xung đột tại Ukraine, Dải Gaza, Syria và Irak. Các nhà tổ chức sự kiện cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro mà các phóng viên chiến trường phải đối mặt và số nhà báo thiệt mạng tăng cao khi đi đưa tin tại các vùng có chiến sự. Từ đầu năm 2014 đến nay, 70 nhà báo đã thiệt mạng khi đưa tin về các chủ đề này.
Bích Hà (
P/v TTXVN tại Pháp)