Phóng viên ảnh huyền thoại về chiến tranh Việt Nam qua đời

Ông Horst Faas, phóng viên ảnh chiến trường kỳ cựu và là người từng ghi lại cuộc chiến tranh Việt Nam qua ảnh cho hãng tin AP, đã qua đời ở tuổi 79.

 

Phóng viên ảnh Horst Faas. Ảnh: Internet

 

Ông Faas đã giành được bốn giải thưởng lớn về ảnh báo chí trong sự nghiệp của mình, trong đó có hai giải thưởng danh giá Pulitzer. Ông từng làm trưởng nhóm phóng viên ảnh ở Sài Gòn (Việt Nam) cho hãng tin AP vào lúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam khốc liệt nhất.

 

Ở Sài Gòn, ông đã đào tạo và hướng dẫn các phóng viên ảnh trẻ người Việt Nam chớp được những thời khắc quyết định của cuộc chiến tranh. Ông Faas bị thương năm 1967 và về sau phải ngồi trên xe lăn trong nhiều năm liền. Ông qua đời sau nhiều năm gặp vấn đề về sức khỏe. Ông bị liệt từ phần eo xuống.

 

Santiago Lyon, người phụ trách phóng viên ảnh toàn cầu của hãng AP, nói: “Horst Faas là một người khổng lồ trong ảnh báo chí của thế giới, người luôn kể những câu chuyện khó bằng những hình ảnh độc đáo và nổi bật. Ông là một tài năng ngoại lệ cả khi cầm máy ảnh và khi biên tập ảnh cho các phóng viên khác... Ông sẽ được rất nhiều đồng nghiệp nhớ tới, đặc biệt là thế hệ phóng viên ảnh người Việt Nam - những người từng sát cánh với ông trong cuộc chiến tranh”.

 

Năm 2007, khi trò chuyện với hãng tin BBC, ông Faas miêu tả nghề của ông rất đơn giản: “Tôi cố gắng xuất hiện trên báo chí mỗi ngày, đánh bại những đối thủ cạnh tranh bằng những bức ảnh tốt hơn. Tôi không cố làm gì đó vĩ đại. Những bức ảnh đó đã được sử dụng và xuất bản vì cuộc chiến Việt Nam luôn là mối quan tâm hàng đầu trong nhiều năm liền. Tôi đã sống ngày này qua ngày khác, chứng kiến hết sự kiện này đến sự kiện khác. Đó là một câu chuyện hoàn hảo đối với một phóng viên ảnh báo chí”.

 

Một thiên tài

Ông Faas bắt đầu nghề phóng viên ảnh khi chụp ảnh về những cuộc xung đột năm 1960, 4 năm sau khi vào làm cho hãng tin AP.

 

Horst Faas đã bỏ ra nhiều năm đào tạo thế hệ phóng viên ảnh mới. Ông đã làm việc ở Angiêri trước khi được điều tới Việt Nam – nơi ông giành giải Pulizer đầu tiên năm 1965.

 

Hãng tin AP cho biết, nhận giải thưởng này, ông Faas nói rằng ông muốn ghi lại những chịu đựng, tình cảm, sự hi sinh của cả người Mỹ và Việt Nam tại đất nước này”.

 

Khi không ra chiến trường chụp ảnh, ông Faas làm việc tại một cơ sở của AP tại Sài Gòn, xem xét, lựa chọn ảnh của các phóng viên và truyền tới khắp nơi trên thế giới.

 

Dưới sự hướng dẫn của ông, các phóng viên AP đã ghi lại được những hình ảnh mà sau đó nhanh chóng trở thành biểu tượng của một cuộc chiến trường kỳ. Trong đó, nổi tiếng nhất là bức ảnh tướng quân đội Sài Gòn cầm súng ngắn xử bắn chiến sĩ cách mạng Việt Nam của phóng viên Eddie Adams và bức ảnh Em bé napalm của phóng viên Nick Út.

 

Dù bị thương năm 1967 nhưng ông Fass vẫn ở lại Việt Nam tới năm 1970. Phóng viên David Halberstam của tờ New York Times, người từng sống với ông Faas, nói: “Tôi cho rằng ông là một thiên tài”.

 

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN