Giáo viên hướng dẫn trẻ mầm non tại Thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk tập tô màu. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN |
Các tỉnh Tây Nguyên đã ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, nhằm đảm bảo tại các địa bàn vùng đặc biệt khó khăn này đều có trường học “cứng hóa”.
Đắk Lắk là địa phương có số lượng học sinh các cấp đông nhất so với các tỉnh Tây Nguyên, hàng năm tỉnh đều đầu tư trên 100 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng mới từ 500 phòng học trở lên và mua sắm các trang thiết bị đồ dùng dạy học phục vụ tốt công tác dạy và học trên địa bàn.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có trên 1.012 trường học các cấp đều được “cứng hóa”, không còn trường học tranh tre nứa lá, 100% số xã đều có ít nhất một trường Tiểu học, không còn tình trạng học ca ba…
Tỉnh Đắk Nông mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng để đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học, tỉnh cũng đầu tư trên 100 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng mới các trường, lớp học và mua sắm đồ dùng dạy học phục vụ cho khai giảng năm học mới.
Ngoài nguồn vốn ngân sách, các tỉnh Tây Nguyên đã được các tổ chức, doanh nghiệp trong, ngoài vùng hỗ trợ hàng chục tỷ đồng để xây dựng mới trường, lớp học cho các thôn, buôn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, cơ sở vật chất trường, lớp học của các tỉnh Tây Nguyên được mở rộng, đội ngũ giáo viên được tăng cường đã tạo điều kiện để cải thiện điều kiện học tập và giảng dạy cho học sinh, giáo viên.
Năm 2001, một lớp học có 33,9 em, đến năm học 2016 giảm xuống chỉ còn gần 25 em, trong đó, bậc tiểu học giảm từ 30,3 em/lớp xuống còn 25 em/lớp, bậc trung học cơ sở từ 43 em/lớp xuống còn 30,2 em/lớp…
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có 3.351 trường học các cấp, tăng 67 trường so với năm học 2015 - 2016, trong đó có trên 1.046 trường học đạt chuẩn quốc gia.