Theo đó, Nghị định quy định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau: Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ (theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế).
Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại Điểm a nêu trên. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Quy định tại điểm a nêu trên không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên và dự án phúc lợi công cộng khác).
Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 68/2020/NĐ-CP. Nghị định 68/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 24/6/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019.
Theo Bộ Tài chính, ngày 24/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Qua hơn ba năm thực hiện, Nghị định 20 đã mang lại những kết quả nhất định trong công tác đấu tranh chống chuyển giá.
Tuy nhiên, Nghị định 20 có quy định về khống chế chi phí lãi vay lần đầu áp dụng nên không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình triển khai. Cụ thể, việc áp dụng khống chế chi phí lãi vay mà không cho trừ doanh thu lãi tiền gửi, lãi cho vay gây bất cập đối với doanh nghiệp trung chuyển vốn vay, cho vay lại, quản lý quỹ, ký quỹ trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty, công ty chứng khoán.
Mức khống chế chi phí lãi vay tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP là 20%, đây là mức trung bình trong biên độ 10-30% theo khuyến nghị của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, đối với điều kiện của Việt Nam mới áp dụng quy định nên đã tạo ra phản ứng của các doanh nghiệp, vì vậy cần nghiên cứu để quy định tỷ lệ khống chế phù hợp...