Từ khi thực hiện Nghị định 20/2017, hàng loạt tập đoàn, công ty lớn đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính và cơ quan chức năng về những điểm chưa hợp lý của Nghị định 20. Tuy nhiên, đến nay quy định này vẫn chưa được sửa đổi, dù Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.
Liên quan đến vướng mắc, kiến nghị của nhiều doanh nghiệp đối với các quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Qua phản ánh của một số doanh nghiệp và thực tiễn thì Nghị định 20/2017 vẫn còn vướng mắc quy định về khống chế 20% trên mức chi phí lãi vay đối với giao dịch liên kết đã tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, qua 2 năm thực hiện Nghị định 20/2017, ngành thuế đã đạt được nhưng kết quả quả quan trọng. Cụ thể, năm 2017 có 11.100 doanh nghiệp kê khai giao dịch liên kết; đến năm 2018, con số này đã tăng lên hơn 11.900 doanh nghiệp. Trong đó, tỷ trọng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 64%, còn lại là doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt về kết quả thu thuế, thông qua Nghị định 20, từ năm 2017 đến nay cơ quan Thuế đã xử lý liên quan đến số thu hơn 11.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó xem xét về việc truy thu cũng như giảm khấu trừ, giảm lỗ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết: Diễn đàn chống xói mòn thuế và chuyển lợi nhuận của Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng khuyến cáo mức khống chế chi phí lãi vay từ 10 - 30%. “Vì vậy, khi xây dựng Nghị định 20/2017, ngay cả các chuyên gia của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia trong nước cũng đề xuất ở mức 20%. Tuy nhiên, về lâu dài cũng phải đánh giá tỷ lệ này cho phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của doanh nghiệp Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên áp dụng chi phí về lãi vay liên kết với các trường hợp có hoạt động về cho vay lẫn nhau chứ không nên áp dụng tổng thể các đối tượng có giao dịch kiên kết. Về vấn đề này, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, OECD khuyến cáo phạm vi điều chỉnh của Nghị định 20 rất rộng, tới tất cả các giao dịch có liên kết. Đây là nội dung phải đánh giá lại cho phù hợp.
Ngoài ra, cũng cần đánh giá kỹ các hoạt động khác giao dịch liên kết như: Hoạt động kinh doanh thu từ lãi tiền gửi và thu lãi tiền vay đối với dịch vụ tài chính ngân hàng (vừa có thu lãi tiền gửi vừa có thu lãi tiền vay); hay trong hoạt động đối với các doanh nghiệp trung chuyển vốn; hoạt động ODA vay về cho vay lại, hoạt động kí quỹ trong các tập đoàn tổng công ty.
Về định hướng sửa đổi Nghị định 20/2017, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết: Trên cơ sở Luật quản lý thuế, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để có sửa đổi bổ sung tổng thể về Nghị định 20/2017. Trong đó sẽ quy định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như quy định cụ thể về áp dụng tỷ lệ không chế lãi vay thuần sau khi trừ đi doanh thu và tiền gửi, tiền vay.
"Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu tỷ lệ khống chế lãi vay cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam, cân nhắc con số 25 - 30%", Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Theo Nghị định 20/2017 quy định, nếu chi phí lãi vay vượt trên mức 20% tổng lợi nhuận thuần thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Thực tế kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 3/1, tức là cứ có 4 đồng vốn thì khu vực này chỉ có 1 đồng vốn chủ sở hữu, còn 3 đồng phải đi vay. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ khoảng 1,12%.