Doanh nghiệp lo lắng khoản chi phí lãi vay, ngành thuế đang rà soát

Trước nhiều ý kiến lo lắng của doanh nghiệp về Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định trần lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần của kỳ nộp thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ngành đang rà soát, đề xuất sửa đổi nếu cần thiết.

Chú thích ảnh
Theo Tổng cục Thuế, Nghị định 20 giúp doanh nghiệp đầu tư không quá lệ thuộc vốn ngân hàng. Ảnh: Hải Âu/TTXVN.

Điểm mấu chốt của Nghị định 20 là quy định khống chế tỷ lệ lãi vay. Khoản 3, điều 8 Nghị định nêu: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp - TNDN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế. Mặc dù được quy định trong Nghị định 20 về giá giao dịch liên kết, nhưng điều khoản này được áp dụng đối với cả khoản vay từ doanh nghiệp liên kết và doanh nghiệp độc lập.

Nhiều doanh nghiệp trong nước lo ngại Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn, đặc biệt là với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ, công ty con. Trong thực tế, hiện tượng chuyển giá hiện nay chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp nước ngoài, do lợi dụng được chênh lệch thuế giữa các quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước thì có chung một mặt bằng thuế, nên nguy cơ chuyển giá của doanh nghiệp trong nước là khá thấp. Doanh nghiệp phàn nàn: Nghị định 20 khiến họ đứng trước nguy cơ từ lãi thành lỗ. 

Theo Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Nghị định 20 được xem là không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Công ty chứng khoán Vietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ, không hề phát sinh lãi vay với các doanh nghiệp liên kết. “Thuế suất thuế TNDN của công ty mẹ, công ty liên kết cũng như công ty chứng khoán Vietcombank đều là 20%. Việc phải kê khai và nộp thuế bổ sung với phần chi phí vượt quá giới hạn này là quy định không phù hợp, hạn chế hoạt động doanh nghiệp, tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có giao dịch liên kết và doanh nghiệp không có giao dịch liên kết”, đại diện Vietcombank nói.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đang tiến hành rà soát, đánh giá kỹ các khoản chi phí lãi vay của các doanh nghiệp thuộc diện điều chỉnh của Nghị định 20 để xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của chính sách. Cụ thể: Sẽ xác định tính xác thực trong phản ánh của các doanh nghiệp trong thời gian qua. Ví dụ như đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn, tổng công ty… Kết quả sẽ được báo cáo Bộ Tài chính, qua đó Bộ Tài chính sẽ báo cáo, đề xuất Chính phủ có sửa đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thuế, kết quả rà soát ban đầu cho thấy có hơn 4.000 doanh nghiệp/hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động thuộc diện phải kê khai theo Nghị định 20. Trong số này có khoảng 10% số doanh nghiệp kê khai không có lãi (đang lỗ). Hiện có hơn 37.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là các công ty con của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam nhưng hiện chưa nhận được một văn bản kiến nghị nào về sự bất cập của Nghị định 20.

Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng: Việc khống chế trần chi phí lãi vay 20% theo yêu cầu của Nghị định 20 là hợp lý, phù hợp thông lệ quốc tế. Một số quốc gia còn đưa mức trần lên 25 - 30%. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, quy định thuế phải phù hợp với điều kiện quốc tế, nhưng cũng phải thích hợp với điều kiện Việt Nam.

Với doanh nghiệp mới, vốn thấp thì cần vay để phát triển sản xuất kinh doanh, ta khống chế lãi vay mà quy định thì chưa khống chế vốn vay.  Trong khi đó, với các bên liên kết vay lại khống chế vốn vay, từ đó dẫn tới khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI chấp nhận những điều kiện cụ thể, thì cần xem xét lại để vừa phù hợp thông lệ quốc tế vừa phù hợp Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Trước đó lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng: Việt Nam đang hội nhập sâu với kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp FDI có rất nhiều công ty có hoạt động đầu tư liên kết. “Chúng ta vào cuộc chơi toàn cầu nên không có lý do gì để doanh nghiệp Việt đứng ngoài cuộc. Nghị định 20 không những chống chuyển giá, hạn chế xói mòn nguồn thu mà còn giúp lành mạnh nền tài chính quốc gia, hạn chế việc doanh nghiệp vốn mỏng, chủ yếu đầu tư dựa vào vốn vay ngân hàng”, đại diện Tổng cục Thuế nói.
 

Thanh tra 150 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, truy thu gần 700 tỷ đồng
 
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Thuế đã thanh tra 150 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 693,4 tỷ đồng; giảm lỗ 2.488,5 tỷ đồng; giảm khấu trừ 9,04 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 2.661,6 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Tình trạng trốn thuế, né thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận khá phức tạp, nhất là các giao dịch liên kết. Mặc dù cơ quan thuế có rất nhiều nỗ lực song cơ chế chính sách chưa thực sự hoàn thiện, chưa phù hợp với thực tế nên có ảnh hưởng đến công tác quản lý thu.
Minh Phương/Báo Tin tức
Khống chế tỷ lệ lãi vay có gây khó cho doanh nghiệp giao dịch liên kết?
Khống chế tỷ lệ lãi vay có gây khó cho doanh nghiệp giao dịch liên kết?

Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) có hiệu lực từ ngày 1/5/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Hệ thống quy định pháp luật này nhằm đưa Việt Nam tiến gần các chuẩn mực quốc tế, gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp Việt đã gặp khó khi áp dụng Nghị định này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN