Ưu tiên cải thiện đời sống, thu nhập
Ninh Thuận hiện có 32 dân tộc thiểu số với khoảng 144.200 người, chiếm 24,4% dân số toàn tỉnh. Người dân tộc thiểu số sinh sống tại 37 xã ở 7 huyện, thành phố. Trong đó, có 15 xã khu vực III, 21 xã khu vực II, 1 xã khu vực I; 1 huyện nghèo Bác Ái theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ninh Thuận tập trung đầu tư trọng điểm vào các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu về điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo chuẩn nghèo đa chiều.
Tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Ninh Thuận huy động trên 450 tỷ đồng từ các nguồn vốn Chương trình 135, Chương trình 30a và các chương trình khác triển khai các dự án chính như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; hỗ trợ y tế, thông tin, hỗ trợ vốn vay ưu đãi giúp người lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động.
Ông Lê Thanh Hùng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết, nổi bật trong các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ dân miền núi là hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu. Với cách làm này, tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu như trồng cây ngô lai, mì (sắn) cao sản, các loại cây ăn quả đặc sản, ớt Hàn Quốc, các loại cây họ đậu; nuôi dê, cừu, bò vỗ béo lấy thịt, nuôi heo đen đặc sản; xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng măng tây xanh.
Đến nay, nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả, giúp người dân năng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Điển hình như các mô hình hợp tác xã liên kết trồng cây măng tây xanh trên đất cát cho lợi nhuận cao của đồng bào Chăm ở huyện Ninh Phước.
Anh Châu Hoài Nam (người Chăm, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước) cho hay, vùng đất cát này chỉ toàn nắng và gió nên sản xuất rất khó khăn. Năm 2019, được địa phương và hợp tác xã hỗ trợ vốn, giống cây, kỹ thuật trồng, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất rẫy sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây măng tây xanh. Nhờ áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm và tuân thủ quy trình kỹ thuật canh tác nên vườn măng tây xanh phát triển tốt. Đến nay, với gần 3 sào măng tây xanh, bình quân mỗi ngày thu nhập trên 1 triệu đồng/ngày, gia đình đã vươn lên thoát nghèo.
Bà Châu Thị Xéo, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế (xã Phước Hải) cho hay, nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, từ 37 thành viên ban đầu đến nay hợp tác xã thu hút 83 thành viên cùng liên kết sản xuất măng tây xanh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích gần 20 ha. Trồng măng tây xanh giúp kinh tế của các thành viên hợp tác xã được nâng lên rõ rệt, thu nhập của xã viên thấp nhất là 10 triệu đồng/tháng và hộ cao nhất lên đến 90 triệu đồng mỗi tháng. Lúc đầu Hợp tác xã có 7 hộ nghèo, đến nay toàn bộ đã thoát nghèo và vươn lên thành hộ có thu nhập khá.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, qua đánh giá, các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tất cả các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điện lưới quốc gia, có trạm y tế và đường giao thông nối đến trung tâm huyện được trải nhựa; 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có nhà văn hóa xã, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ninh Thuận có 16/37 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 11 xã vùng đồng bào Chăm và 5 xã vùng đồng bào Raglai.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều. Đến cuối năm 2020, Ninh Thuận còn 6.084 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm 16,19% và 4.929 hộ cận nghèo, chiếm 13,11% tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh.
Huy động thêm nguồn lực đầu tư
Qua đánh giá, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng song trên bình diện chung đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Ninh Thuận vẫn còn không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do xuất phát điểm vùng dân tộc thiểu số thấp, trình độ dân trí và sản xuất của người dân không đồng đều; ảnh hưởng của hạn hán, biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp; tác động của đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, ưu tiên đầu tư cho khu vực miền núi, chăm lo nâng cao đời sống của người dân tộc thiểu số, không để ai bị bỏ lại phía sau là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Vì vậy, trong năm 2021 Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi một cách bền vững.
Trọng tâm của tỉnh là phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng nông thôn và liên kết vùng; hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm dân tộc; tạo điều kiện cho các hộ đồng bào, người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường để phát triển kinh tế.
Để thực hiện, giai đoạn 2021- 2025, Ninh Thuận dự kiến huy động trên 2.780 tỷ đồng nguồn vốn từ Trung ương, ngân sách địa phương, vốn tín dụng và nguồn vốn xã hội hóa. Từ nguồn vốn này, tỉnh tập trung cho các chương trình, dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu nhất là trục đường thôn, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa phục vụ sản xuất và dân sinh ở các vùng đồng bào dân tộc, các xã đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tỉnh đầu tư, hỗ trợ các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; thực hiện chính sách giao khoán đất rừng đảm bảo cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm sinh kế bền vững.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tỉnh giao nhiệm vụ cho các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất, các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, các hộ tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với lao động là người dân tộc thiểu số; tạo cơ hội việc làm tại địa phương cho thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân tộc thiểu số về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, giảm hộ nghèo hàng năm từ 1,5-2%; trong đó giảm hộ nghèo khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.