Hậu kiểm giám sát - Thước đo quyền lực của đại biểu dân cử - Bài 1: Gỡ 'nút thắt', tạo niềm tin

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn (giám sát tối cao) để đánh giá kết quả thực hiện kiến nghị giám sát tối cao về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn. Điều đó thể hiện sự chú trọng quan tâm của Quốc hội đối với hiệu quả hoạt động giám sát, đưa công tác này vào “thực chất”, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Ở cấp địa phương, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 (Nghị quyết 594) hướng dẫn trình tự, thủ tục và trách nhiệm trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Nghị quyết này đã giúp hoạt động giám sát của HĐND các cấp trở nên chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, Nghị quyết 594 đã đặt một “dấu mốc” khởi động khi hướng dẫn và buộc HĐND các cấp phải giám sát kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của mình. Nhằm tìm hiểu sâu hơn nội dung này, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã thực hiện chùm 5 bài viết: “Hậu kiểm giám sát - thước đo quyền lực của đại biểu dân cử”. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu HĐND trong một buổi giám sát. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Bài 1: Gỡ “nút thắt”, tạo niềm tin

Giám sát là một chức năng cơ bản của HĐND các cấp, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri và là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thông qua giám sát, HĐND các cấp đã tháo gỡ nhiều “nút thắt” trong hoạt động tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, giúp người dân được bảo vệ quyền lợi, yên tâm ổn định cuộc sống. Hiệu quả từ công tác giám sát của HĐND đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân, củng cố niềm tin vào các cơ quan dân cử.

Tờ “sổ đỏ” sau gần 10 năm chờ đợi

Sóc Sơn là một trong những huyện ngoại thành có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất thành phố Hà Nội với hơn 13.200 ha nhưng lại bị tình trạng vùng đất cao thấp xen kẽ, ruộng đất manh mún, bình quân mỗi hộ có tới 10 - 18 ô thửa... Trước thực tế trên, năm 2010, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo hai xã Tân Hưng và Minh Trí làm thí điểm dồn điền đổi thửa, tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa trên 128 thôn, làng của 25 xã với tổng diện tích 10.845 ha.

Quá trình dồn điền đổi thửa thành công đã hình thành ở Sóc Sơn nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao cùng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa mang lại giá trị kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, công tác dồn điền đổi thửa ở Sóc Sơn đã xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Hộ ông Nguyễn Bá Sâm và một số người dân ở xóm Núi, thôn Dược Hạ (xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn) là ví dụ.

Phải mất gần 10 năm, ông Nguyễn Bá Sâm và một số người dân xóm Núi, thôn Dược Hạ mới được cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện chính xác các số liệu liên quan đến phần đất ruộng sau dồn điền đổi thửa. Ông Sâm cho biết, trước khi dồn điền đổi thửa, nhà ông có 9 thửa nhỏ lẻ với tổng diện tích khoảng 1.700m2. Các thửa này ở mỗi chỗ một ít, trước làng sau làng đều có, trong đó thửa có diện tích nhỏ nhất chỉ khoảng hơn 70m2. Năm 2012, chấp hành chủ trương dồn điền đổi thửa, gia đình ông thực hiện các quy định theo hướng dẫn của thôn, xã.

“Lúc đó, chủ trương mới ra, các văn bản hướng dẫn chưa rõ, việc triển khai còn rất nhiều khó khăn. Cán bộ  lúng túng, ý thức, nhận thức của người dân còn chưa đầy đủ. Ai cũng muốn lấy được đất “đẹp” gần nhà, dễ canh tác, thời gian đầu rất khó khăn trong việc thống nhất để dồn điền đổi thửa. Đến khi thống nhất được về chủ trương, lại gặp khó về kinh phí, nhân lực nên việc đo đạc, xác định vị trí đất không chính xác”, ông Nguyễn Bá Sâm kể lại.

Đến năm 2015, nhận giấy chứng nhận từ huyện, nhiều người dân phát hiện sai lệch về diện tích đất, nhà bị thiếu, nhà lại thừa. Thậm chí, có nhà còn bị sai cả về vị trí đất. Đối với nhà ông Sâm, trong 9 thửa, có đến 5 thửa bị đo sai diện tích dẫn đến bị thiếu tổng số hơn 100m2 so với diện tích đất được hợp tác xã cấp cho trước đó.

Cùng với những hộ bị ghi sai diện tích đất, ông Sâm và nhiều người dân trong thôn đã trả lại giấy chứng nhận, đồng thời trình bày thắc mắc với xóm trưởng. Xóm trưởng lại trình bày với trưởng thôn để ông trưởng thôn lên xã hỏi giúp. Các buổi tiếp xúc cử tri tổ chức tại nhà văn hóa thôn, ông Sâm và những người dân tới dự để trình bày về trường hợp của gia đình mình.

“Chúng tôi gửi gắm, đề đạt nguyện vọng của mình với đại diện tổ đại biểu của thôn và mong muốn những đại biểu này sẽ báo cáo với HĐND xã. Chúng tôi kiên trì phản ánh rất nhiều lần, trong nhiều năm và lần nào cũng nhận được câu trả lời từ các đại biểu HĐND. Qua đó, chúng tôi được biết, HĐND cấp xã, huyện đã được báo cáo về sự việc và đã có hướng giải quyết”, ông Nguyễn Bá Sâm chia sẻ.

Nhận thấy tình trạng chậm trễ của Sóc Sơn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có đất sau dồn điền đổi thửa, đầu năm 2017, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã về giám sát tại huyện và yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền và cấp ủy. Huyện cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chưa đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt việc cấp giấy chứng nhận cho người dân trên địa bàn. Cùng với đó, UBND huyện cần chỉ đạo phòng, ban chuyên môn rà soát, cập nhật lại hệ thống văn bản để áp dụng vào những trường hợp nào còn gặp khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận để từ đó có ý kiến với HĐND, UBND thành phố tìm cách tháo gỡ.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Tất Thanh cho biết, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, huyện đã phát hiện tình trạng tồn đọng hàng nghìn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa trả cho dân. HĐND huyện Sóc Sơn đã vào cuộc giám sát, đưa ra kết luận, yêu cầu UBND huyện quyết liệt chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn rà soát, đo đạc, chỉnh sửa toàn bộ các trường hợp bị sai lệch, trả giấy chứng nhận chính xác số liệu cho người dân.

Giống như nhiều hộ dân khác ở xóm Núi, thôn Dược Hạ, năm 2021, tức là sau gần 10 năm kể từ ngày thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa của huyện, gia đình ông Nguyễn Bá Sâm đã được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có số diện tích đất chính xác với thực tế. Vui mừng với kết quả sau thời gian dài chờ đợi, song ông Sâm vẫn thừa nhận, việc giải quyết chậm trễ của các cấp chính quyền khiến ông và nhiều hộ dân trong thôn sốt ruột, thậm chí có người đã nhiều lần lên xã, lên huyện tìm hiểu nguyên nhân.

“Sở dĩ chúng tôi vẫn kiên trì tin tưởng, chờ đợi huyện, xã giải quyết trong một thời gian dài mà không khiếu kiện là bởi thắc mắc của chúng tôi luôn được giải đáp, được thông tin rõ ràng. Quan trọng là được thấy sự vào cuộc của HĐND các cấp thông qua các lần tiếp xúc cử tri. Chính vì vậy, trong lúc chờ đợi, bà con vẫn yên tâm sản xuất mà không lo vấn đề của chúng tôi bị quên lãng”, ông Nguyễn Bá Sâm tâm sự.

Đến nay, UBND huyện Sóc Sơn đã cấp được trên 32.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, trong đó trả cho các xã hơn 29.000 giấy chứng nhận (đạt hơn 90%), còn gần 3.000 giấy chứng nhận chưa trả được. Phó Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Tất Thanh cho biết: “Số giấy còn tồn đọng này đang được HĐND các cấp triển khai quyết liệt, quyết tâm hoàn thành trong thời gian tới”. Đồng thời, ông Nguyễn Tất Thanh khẳng định sẽ tiếp tục giám sát kết quả thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này theo tinh thần của Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15.
 
Hợp lòng dân - Khó mấy cũng thành công

Sau 2 năm bị ảnh hưởng của COVID-19, một số nơi trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) xuất hiện tình trạng rác thải ùn ứ gây mùi hôi thối, đặc biệt là dọc tuyến đường từ Trường Tiểu học Tân Tiến (xã Tân Tiến) đi đường Hồ Chí Minh hay từ chợ Cá lên Nhà máy xi măng Nam Sơn... Rác thải tại khu vực này tồn tại nhiều năm, trải dài hàng cây số, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và cảnh quan đô thị.

Chú thích ảnh
Phóng viên làm việc với Chủ tịch UBND xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa. Ảnh: Kim Anh/TTXVN

Tình trạng này đã được nhiều cử tri phản ánh tại các cuộc tiếp xúc của HĐND xã, song qua nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Với quyết tâm xử lý triệt để, xóa sổ những điểm đen về ô nhiễm môi trường, đầu tháng 4/2022, Thường trực HĐND huyện Chương Mỹ đã tổ chức phiên giải trình về công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Để chuẩn bị cho phiên giải trình, Chủ tịch HĐND huyện Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường đã yêu cầu các cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện tới các điểm đen, quay lại hình ảnh những con đường ngập rác để minh họa cho nội dung yêu cầu giải trình. Tại phiên giải trình, trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, UBND huyện, nhà đầu tư đấu thầu thu gom rác... cũng được làm rõ. HĐND huyện đã ra nghị quyết quy định rõ thời gian thực hiện.

Đến nay sau hơn 1 năm, huyện Chương Mỹ không còn các điểm đen về rác, rác ven đường giảm 80%. Nhiều tuyến đường còn được Đoàn Thanh niên địa phương xung phong đảm nhiệm, phụ trách xây dựng đường hoa thanh niên. Những điểm tập kết rác mới đều được lợp mái che, tránh mưa xuống gây nên tình trạng rỉ nước rác thải làm ô nhiễm môi trường.

Sau thành công về xử lý ô nhiễm môi trường, năm 2023, HĐND huyện Chương Mỹ tiếp tục lựa chọn lĩnh vực trật tự đô thị và an toàn giao thông làm nội dung giải trình. Phiên giải trình đã truy trách nhiệm từng đơn vị, đặc biệt là lực lượng Công an các xã, thị trấn, đồng thời yêu cầu đưa ra những giải pháp, biện pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về trật tự đô thị, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn huyện.

Theo Chủ tịch HĐND huyện Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường, cách giám sát hiệu quả nhất, thuyết phục nhất là đưa vấn đề ra chất vấn tại các kỳ họp và các phiên giải trình. Đặc biệt, việc áp dụng Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 đã giúp hoạt động giám sát tại huyện Chương Mỹ được thực hiện rất bài bản, thiết thực và hiệu quả. Những quyết định về chủ trương, nghị quyết của HĐND đạt kết quả rõ rệt, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong việc thực hiện của các cơ quan hành chính. Sau kết luận giám sát, các cơ quan hành chính nghiêm túc tổ chức thực hiện và báo cáo về Thường trực HĐND, tạo niềm tin cho nhân dân, cho thấy hiệu quả công tác giám sát của Thường trực HĐND, các Ban, tổ đại biểu HĐND đã được phát huy và được cử tri, nhân dân ghi nhận.

“Có không ít vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp được lựa chọn. Chúng tôi cho rằng, cái gì tốt, hiệu quả cho cử tri phải làm đến cùng. Cách làm phải vừa quyết liệt, nghiêm túc và đúng luật. Như vậy, hợp lòng dân, khó mấy cũng thành công”, ông Trịnh Tiến Tường chia sẻ.

Để đạt những kết quả được nhân dân ghi nhận, xã hội đồng tình như trên, HĐND các cấp không chỉ nỗ lực, khách quan trong việc thực hiện công tác giám sát, mà còn phải chủ động tích cực trong việc giám sát thực hiện các kiến nghị giám sát. Đây là bước chuyển biến tích cực của HĐND các cấp trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Nghị quyết 594 được ban hành.

Bài 2: Kích hoạt 'guồng máy' hậu kiểm giám sát

Kim Anh - Nguyễn Cúc (TTXVN)
Hậu kiểm giám sát - thước đo quyền lực của đại biểu dân cử - Bài 4: Không 'đóng dấu' xác nhận cho cái sai
Hậu kiểm giám sát - thước đo quyền lực của đại biểu dân cử - Bài 4: Không 'đóng dấu' xác nhận cho cái sai

Mới đây, sáng 17/11/2023, trong Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích, phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý. Những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN