Hậu kiểm giám sát - thước đo quyền lực của đại biểu dân cử - Bài 2: Kích hoạt 'guồng máy' hậu kiểm giám sát

Nhiều năm trước đây, việc thực hiện các kết luận giám sát tại không ít địa phương còn tồn tại tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, giám sát xong để đấy mà không quan tâm tới việc thực hiện kết luận giám sát có được tiến hành hay không, đạt kết quả đến đâu. Do vậy, hiệu lực giám sát của HĐND các cấp còn chưa phát huy đúng vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử. Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ra đời đã khắc phục nhược điểm cố hữu này.

Chủ thể giám sát phải hậu kiểm

Chú thích ảnh
Đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: thainguyen.gov.vn

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, có hiệu lực pháp luật từ ngày 1/7/2016, là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND, các cơ quan của HĐND và đại biểu HĐND thực hiện chức năng giám sát. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động giám sát của HĐND nhiều cấp, nhiều địa phương được thực hiện theo những cách thức khác nhau, dẫn đến hiệu quả công tác giám sát khác nhau.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Mai Thị Thúy Nga đánh giá, tại nhiều nơi, công tác giám sát vẫn còn tồn tại bất cập, hạn chế, phát sinh vướng mắc, dẫn tới hiệu quả chưa cao. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm, thực hiện các kiến nghị sau giám sát; chậm gửi báo cáo thực hiện kết quả giám sát, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giám sát. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử chưa kịp thời. Hoạt động tái giám sát của HĐND các cấp chưa thường xuyên... Ở một số địa phương, việc xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát vẫn còn chưa đủ sức nhắc nhở, răn đe.

Khắc phục nhược điểm này, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra đời đã góp phần hình thành đồng bộ thể chế về tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử, giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp; tạo hành lang pháp lý thống nhất để HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thực hiện chức năng giám sát đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, đảm bảo mọi kiến nghị, kết luận giám sát đúng pháp luật đều được nghiêm túc thực hiện; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử; hạn chế việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản cá biệt để trả lời từng địa phương.

Theo bà Mai Thị Thúy Nga, về cơ bản, Nghị quyết 594 đã đưa công tác giám sát của HĐND được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp hóa từ trình tự, thủ tục cho tới cách lựa chọn lĩnh vực giám sát, nhóm nội dung chất vấn... Song, nội dung nổi bật hơn cả mà Nghị quyết 594 đem lại đó là quy định chặt chẽ, cụ thể và thống nhất trong việc giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát. Quy định này không chỉ đưa ra hướng dẫn mà còn buộc HĐND các cấp phải giám sát kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của mình. Định kỳ hàng năm 2 lần phải báo cáo đầy đủ, không để tồn tại tình trạng tùy ý thích giám sát kết quả thì làm, không thích giám sát thì thôi như trước đây.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) Nguyễn Tất Thanh cho biết, trước khi có Nghị quyết 594, hoạt động giám sát của HĐND huyện Sóc Sơn có quy trình, các khâu thực hiện chưa rõ ràng. Việc ban hành Nghị quyết 594 là một bước đột phá, quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám sát một cách đồng bộ và thống nhất. Thực tế, Nghị quyết 594 như mang tính chất “cầm tay chỉ việc” của Quốc hội đối với HĐND các cấp, đặc biệt là với cấp huyện, cấp xã.

Cùng với Đề án số 15-ĐA/TU (ngày 12/5/2022) của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội", hoạt động của HĐND các cấp tại huyện Sóc Sơn có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện đã triển khai rộng khắp các nội dung của Đề án số 15 và Nghị quyết 594 tới Thường trực HĐND 2 cấp, quy chuẩn các bước, các cách làm và đặc biệt là nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trong hoạt động giám sát của HĐND.

Đặc biệt, trước đây, việc giám sát tại nhiều nơi trong huyện Sóc Sơn chỉ đưa ra các kiến nghị, kết luận giám sát là xong, không báo cáo lại kết quả thực hiện giám sát. Sau khi Nghị quyết 594 được ban hành, kết quả thực hiện kiến nghị giám sát được báo cáo lại đầy đủ, trong đó nêu rõ những nội dung đã hoàn thành, những vấn đề chưa làm được... để tìm biện pháp giải quyết, tháo gỡ vướng mắc nếu có. Quy trình khép kín này đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, có phản hồi lại từ đơn vị tiếp nhận giám sát, giúp HĐND nắm bắt sát sao hơn các vấn đề tại địa phương.

Chủ thể chịu giám sát phải báo cáo

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định khá cụ thể đối với từng hoạt động giám sát và kiến nghị kết luận của từng hoạt động giám sát đó, đồng thời quy định mức độ tác động khác nhau đối với từng đối tượng chịu sự giám sát. Hình thức giám sát cuối cùng và cao nhất là HĐND ban hành Nghị quyết về giám sát, nghị quyết về giám sát này của HĐND có giá trị cao nhất, bắt buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện, nếu không thực hiện sẽ phải chịu các chế tài hành chính và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Chú thích ảnh
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Thái Nguyên khảo sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2022. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Tuy nhiên, theo bà Mai Thị Thúy Nga, trên thực tế, vẫn còn tồn tại tình trạng ở một số địa phương tiến hành giám sát, đưa ra các kiến nghị, kết luận giám sát xong để đó. Nơi nào quan tâm mới giám sát lại xem các kiến nghị của mình được thực hiện đến đâu. Nghị quyết 594 ra đời đã khắc phục khá triệt để tình trạng tùy tiện trong hậu kiểm như trên. Nghị quyết quy định rất cụ thể việc giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát. Định kỳ mỗi năm 2 lần, các kiến nghị, kết luận sau giám sát đó phải được Thường trực HĐND rà soát, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện. Trong trường hợp các đối tượng giám sát không thực hiện các kiến nghị giám sát, Thường trực HĐND sẽ tổ chức giám sát. Nếu đối tượng giám sát vẫn tiếp tục không thực hiện, Thường trực HĐND sẽ báo cáo với HĐND và HĐND sẽ giám sát tại Kỳ họp của HĐND và ban hành Nghị quyết. Đây là mức cao nhất của hoạt động giám sát và Nghị quyết này có giá trị bắt buộc thực hiện. Trong đó, đánh giá kết quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu sự giám sát; những yêu cầu cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó nêu rõ yêu cầu thực hiện, thời hạn thực hiện; biện pháp xử lý nếu tiếp tục không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu đối với những vấn đề đã kết luận, kiến nghị.

Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XII và khóa XIII) đánh giá, yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị, kết luận giám sát là một quy định rất quan trọng. Trên thực tế, nếu không quy định chủ thể chịu giám sát phải báo cáo, họ sẽ không báo cáo và vì thế việc thực hiện kết luận giám sát nhiều khi bị “bỏ lửng”. Với Nghị quyết 594, bắt buộc chủ thể giám sát phải chủ động theo dõi, kịp thời đôn đốc cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát và báo cáo kết quả việc thực hiện đến Thường trực HĐND. Do vậy, chủ thể giám sát sẽ phải chủ động yêu cầu, đôn đốc đối tượng chịu giám sát phải báo cáo kết quả thực hiện. Trường hợp đối tượng chịu giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, chủ thể giám sát có quyền gửi văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát giải trình về việc chậm thực hiện hoặc không thực hiện và làm rõ trách nhiệm, đề xuất biện pháp xử lý.

Những quy định chặt chẽ này của Nghị quyết 594 đã góp phần nâng cao hiệu lực của các kết luận, kiến nghị giám sát. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đặt ra cho chất lượng hoạt động giám sát, các kiến nghị, kết luận giám sát đưa ra cần đúng, trúng và khả thi.

Bài 3: Kiến nghị đúng - khả thi cao 

Kim Anh - Nguyễn Cúc (TTXVN)
Hậu kiểm giám sát - thước đo quyền lực của đại biểu dân cử - Bài 4: Không 'đóng dấu' xác nhận cho cái sai
Hậu kiểm giám sát - thước đo quyền lực của đại biểu dân cử - Bài 4: Không 'đóng dấu' xác nhận cho cái sai

Mới đây, sáng 17/11/2023, trong Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích, phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý. Những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN