Từ một hộ nghèo của xã miền núi Sơn Tây, anh Đinh Văn Sinh đã thoát nghèo từ những đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, anh Sinh mạnh dạn khai hoang 15 ha đất đồi để trồng keo. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình anh Sinh thu lợi hơn 100 triệu đồng từ mô hình trồng keo. Cây keo là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi nên phát triển khá tốt, cho thu hoạch thường xuyên.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, nên hằng năm, anh Sinh tiếp tục mở rộng trồng thêm 3 ha sắn, 1 ha cau; xây dựng chuồng trại kiên cố để nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt… Chăm chỉ làm ăn, chỉ trong vòng 4 năm gia đình anh Sinh không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn trở thành nông dân trẻ tiêu biểu của địa phương trong phát triển kinh tế.
Anh Sinh cho biết, ngoài nguồn vốn ưu đãi, anh còn được hướng dẫn tận tình kỹ thuật canh tác. Nhờ đó, gia đình anh đã dần có của ăn, của để. Anh Sinh mong sẽ có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa để giúp người dân miền núi phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài hộ gia đình Sinh, còn rất nhiều hộ thoát nghèo từ những đồng vốn chính sách như thế này. Có thể kể đến, gia đình ông Hồ Văn Sang người dân tộc Kor ở Trà Bồng. Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trà Bồng, Anh Sang đã mạnh dạn mua bò sinh sản. Sau khi bò đẻ, anh có thêm vốn để đầu tư trồng cây 2 ha keo đất đồi mà anh khai hoang. Đế nay, rừng keo của anh Sang đã cho thu hoạch lứa đầu lãi 20 triệu đồng, đàn bò đã tăng lên 4 con. Gia đình anh Sang đã vượt qua ngưỡng nghèo và tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng theo chương trình dành cho hộ cận nghèo.
Tại các huyện miền núi như: Ba Tơ, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà… người dân cũng đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào trồng cam, trồng bưởi, nuôi gà, lợn, mở cửa hàng tạp hóa nhỏ… đem lại hiệu quả kinh tế.
Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi đạt trên 3.400 tỷ đồng, tăng 856 tỷ đồng so với năm 2015 với trên 95.000 lượt người dân còn dư nợ; trong đó, 23.000 hộ cận nghèo còn dư nợ với gần 920 tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ; 16.000 lượt hộ nghèo vay vốn với gần 560 tỷ đồng. Riêng doanh số cho vay giai đoạn 2016 - 2019 đạt 652 tỷ đồng với hơn 19.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, tạo được nguồn vốn quay vòng cho nhiều hộ nghèo trong khu vực.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn giúp cho hàng nghìn lượt người dân ở các vùng khó khăn hoặc các hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, các chương trình cho vay giải quyết việc làm, chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… đã giúp cho hàng nghìn lượt người được tiếp cận.
Ông Trần Duy Cường, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, từ những đóng góp thiết thực của nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 15,19% năm 2015 xuống còn 7,69% năm 2019 và tỷ lệ hộ cận nghèo từ 8,84% năm 2015 xuống còn 7,21% năm 2019.
Từ nguồn vốn này, các đối tượng chính sách có nguồn vốn với lãi suất thấp, người nghèo ở nông thôn không phải lo nạn “tín dụng đen”. Hơn nữa, tại 184 điểm giao dịch ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống bảng biển công khai về các chương trình tín dụng chính sách, công khai danh sách người vay vốn... Từ đó người dân có thể dễ dàng tìm hiểu và giám sát hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Nhờ đó người dân cũng có ý thức, trách nhiệm hơn đối với khoản vay của mình để sử dụng vốn có mục đích, tạo thói quen dành dụm tiết kiệm và nhân rộng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả.