Hiệu quả từ mô hình do phụ nữ làm chủ
Là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao tại địa phương, mô hình phát triển kinh tế của gia đình bà Phạm Thị Chiên (thôn Phú Lễ, xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) được nhiều người trong và ngoài xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm làm ăn. Đây cũng là nơi cung ứng giống, thức ăn nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân trên địa bàn.
Năm 2003, từ chủ trương của xã Hải Châu về việc khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, có điều kiện đi tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi thủy sản ở các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình..., nhận thấy cá diêu hồng có khả năng sống trong môi trường nước nhiễm mặn nhẹ, phù hợp với điều kiện tại địa phương, mang lại giá trị cao, có thị trường tiềm năng, bà Chiên đã mạnh dạn dồn hơn 3.600m2 (hơn 10 sào Bắc Bộ) đất canh tác của gia đình về vùng chuyển đổi, vay vốn ngân hàng đầu tư 30 triệu đồng đào ao, cải tạo ao nuôi cá diêu hồng.
Bà Chiên cho biết, tháng 3/2003, gia đình bắt đầu thả cá giống. Ban đầu, thả với mật độ vừa phải từ 1 - 2 con/m3 nước và sử dụng cám công nghiệp làm thức ăn cho cá. Nhờ tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt, sau 7 tháng, vụ cá đầu tiên đã cho thu hoạch. Với 4 tấn cá, giá bán 60.000 đồng/kg, gia đình bà Chiên có thêm nguồn vốn để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng. Những vụ cá tiếp theo, bà mạnh dạn tăng mật độ cá nuôi trong ao lên 3 - 4 con/m3 nước nhằm nâng cao sản lượng, kết hợp thả xen giữa cá diêu hồng với cá trắm, cá chép.
Bà Chiên chia sẻ: Xã Hải Châu có hơn 144 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có 50 ha diện tích chuyển đổi, chủ yếu nuôi cá diêu hồng. Đây là đối tượng con nuôi giúp người dân trong xã nâng cao thu nhập, hướng đến sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Nuôi cá diêu hồng khá đơn giản, để đạt sản lượng cao người nuôi cần chú ý vệ sinh ao nuôi, kiểm soát và xử lý tốt nguồn nước, đảm bảo nước trong ao sạch, tránh cho cá không bị các bệnh do virus, ký sinh trùng gây ra. Vào những thời điểm giao mùa, sức đề kháng của cá giảm, dễ bị bệnh, người nuôi cần tăng cường các vitamin, thức ăn, phân chia thời gian cho ăn hợp lý.
Nhờ nuôi trồng thủy sản, gia đình bà Chiên đã có của ăn của để và tích lũy được nguồn vốn lớn để tiếp tục phát triển kinh tế. Năm 2019, gia đình bà thu hoạch khoảng 13 tấn cá các loại. Với giá bán trung bình 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Ngoài diện tích ao nuôi cá, gia đình bà cũng tận dụng diện tích đất bờ ao, đất vườn trồng cây đinh lăng bán cho các công ty dược. Cây đinh lăng mang lại cho gia đình khoảng 40 triệu đồng/năm.
Đồng hành cùng hội viên phụ nữ
Để khuyến khích, giúp đỡ các hội viên vươn lên phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Cùng với đó, Hội Phụ nữ chú trọng nâng cao chất lượng dạy nghề, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, dạy nghề theo hình thức cầm tay chỉ việc, phù hợp với thực tế, dễ làm, dễ áp dụng; liên kết dạy nghề gắn với tạo việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Năm 2019, Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp với các cơ sở đào tạo dạy nghề cho hơn 2.400 người, trong đó hơn 2.200 hội viên có việc làm sau đào tạo.
Bên cạnh việc đào tạo nghề, phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế cũng lan tỏa khắp các địa phương với những cách làm linh hoạt như: Giúp đỡ ngày công lao động, cây, con giống, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất… giúp hình thành các Tổ Phụ nữ liên kết phát triển kinh tế. Tiêu biểu như: Tổ Phụ nữ liên kết phát triển nghề đan cói xuất khẩu xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc); Tổ Phụ nữ liên kết sản xuất Rau an toàn xã Xuân Ninh (huyện Xuân Trường)…
Khó khăn về vốn là một trong những rào cản của phụ nữ trong phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Nam Định... hỗ trợ hội viên nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Tính đến hết 2019, tổng dư nợ các nguồn vốn vay do Hội Phụ nữ trực tiếp quản lý lên tới gần 3.000 tỷ đồng, hỗ trợ gần 500.000 hộ vay vốn. Từ nguồn vốn vay trên, nhiều dự án của hội viên được triển khai ở khắp các ngành nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, phát triển nghề truyền thống… Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh cũng hỗ trợ hơn 130 hội viên khởi nghiệp kinh doanh thành công.
Bà Trần Thị Định, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định cho biết: Những năm qua, phong trào phụ nữ làm kinh tế rất sôi nổi, hiệu quả và lan tỏa khắp các địa phương trong tỉnh. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi ở khắp các lĩnh vực, thúc đẩy hội viên trong tỉnh mạnh dạn tham gia đầu tư phát triển kinh tế.
Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định tiếp tục vận động hội viên tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ngành nghề, trang trại, gia trại, doanh nghiệp nhỏ; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, phù hợp với nhu cầu của phụ nữ và điều kiện thực tế tại địa phương.