Xây dựng chính sách, pháp luật bảo đảm an sinh xã hội của người dân

Sáng 28/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chờ bố trí nhà ở, đất ở tái định cư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị.

Nâng mức hỗ trợ, mở rộng thêm đối tượng

Dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chờ bố trí nhà ở, đất ở tái định cư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là một chính sách đặc thù của Thành phố, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất đảm bảo về chỗ ở, ổn định đời sống và sản xuất; nhằm đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất, tạo điều kiện cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án và di dời khẩn cấp khi cải tạo chung cư xuống cấp.

Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư được áp dụng theo khu vực nơi có vị trí nhà ở, đất ở bị thu hồi với mức cao nhất tại Quận 1, Quận 3, Quận 5 là 8 triệu đồng/hộ/tháng (với hộ dưới 4 nhân khẩu) và mức 2 triệu đồng/người cho hộ 5 nhân khẩu trở lên, tối đa không quá 24 triệu đồng/hộ/tháng. 

Chú thích ảnh
Bà Hoàng Thị Lợi, Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Quận 1 phát biểu ý kiến tại Hội nghị. 

Có chung ý kiến với nhiều đại biểu, bà Hoàng Thị Lợi, Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Quận 1 cho rằng, hiện nay các dự án xây dựng tái định cư thường kéo dài 1 đến 2 năm, vì vậy việc hỗ trợ tài chính thuê nhà ở tạm cư cần quan tâm đến điều kiện sống của người tạm cư. Với mức hỗ trợ như dự thảo Nghị quyết đưa ra là chưa phù hợp với thực tế, bởi mức hỗ trợ tối đa 8 triệu đồng/hộ/4 người tại Quận 1 là rất khó khăn. 

Đồng quan điểm, bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND Thành phố cho rằng, theo chính sách hiện hành cũng như quan điểm của Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, cần đảm bảo điều kiện sinh hoạt ở nơi tạm cư phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ trong thời gian chờ tái định cư. Với mức hỗ trợ như dự thảo Nghị quyết đưa ra còn thấp so với thực tế, nhất là tại các quận trung tâm, vì vậy đề nghị Sở Tài chính tham chiếu nâng mức hỗ trợ cho phù hợp với thực tế. 

Theo ông Trần Minh Thơ, nguyên cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố, cần mở rộng thêm đối tượng được nhận hỗ trợ chi phí tạm cư là hộ gia đình, cá nhân có nhà ở trên đất bị thu hồi (không phải là đất ở; không đủ điều kiện bồi thường đất ở), nhưng không có nơi ở nào khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc bán nhà ở tái định cư), để phù hợp với chính sách, pháp luật hiện hành đối với đối tượng nói trên khi bị thu hồi đất. 

Một số đại biểu đề nghị bổ sung điều kiện “thực tế cư trú trước khi có thông báo thu hồi đất” để tính hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư bên cạnh điều kiện ghi trong dự thảo Nghị quyết “là các hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú, hoặc tạm trú tại vị trí căn nhà bị giải tỏa”, để đảm bảo thực tế và phù hợp với Luật Cư trú; nghiên cứu lại quy định chi trả kinh phí hỗ trợ và một số vấn đề liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản pháp quy…

Tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều điểm tiến bộ, thể hiện tính ưu việt trong quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người lao động; hướng tới khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai công tác bảo hiểm xã hội và đảm bảo quyền an sinh xã hội của người dân. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi cả về nội dung, hình thức để vừa đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, vừa đảm bảo hiệu quả thực thi khi đưa Luật vào thực tiễn. 

Luật sư Nguyễn Thanh Bình, Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật quận Tân Bình cho rằng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chưa khẳng định rõ quan hệ bảo hiểm là quan hệ kinh tế hay dân sự, hành chính, lao động… Khi xác định rõ mối quan hệ thuộc lĩnh vực điều chỉnh của luật nào thì áp dụng theo luật đó; không thể lấy luật này điều chỉnh cho mối quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của luật khác. Vì vậy, việc xác định quan hệ bảo hiểm là loại quan hệ gì sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng pháp luật cũng như các nội dung của Luật. 

Chú thích ảnh
Luật sư Nguyễn Minh Trí, Ban Tư vấn Dân chủ pháp luật quận Bình Thạnh góp ý về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Luật sư Nguyễn Minh Trí, Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật quận Bình Thạnh cho rằng, việc mở rộng đối tượng người thụ hưởng bảo hiểm xã hội so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là điểm mới đáng chú ý, thể hiện tính nhân văn của Đảng, Nhà nước với người lao động. Nhưng cần nghiên cứu lại thời gian cụ thể của số năm đóng bảo hiểm tối thiểu được nhận lương hưu trong khoảng 15-20 năm, để đảm bảo người hưởng lương hưu có thể nhận được tài chính đảm bảo đời sống. Trên thực tế, người lao động quan tâm đến việc giảm tuổi về hưu hơn là giảm năm đóng bảo hiểm tối thiểu để nhận lương hưu. 

Chung ý kiến với nhiều đại biểu, bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam quận Tân Bình cho rằng, việc quy định cụ thể số tiền trong Luật là không hợp lý, nên thay bằng các định lượng tỷ lệ với một quy chuẩn phù hợp như mức lương cơ bản chẳng hạn, để đảm bảo tính lâu dài của Luật. Việc quy định số tiền cụ thể có thể đưa vào các văn bản hướng dẫn Luật, đáp ứng tình hình thực tiễn. 

Các đại biểu dự Hội thảo cho rằng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, đòi hỏi hệ thống bảo hiểm xã hội cần được phát triển tương thích cả về chất lượng, cơ sở hạ tầng… Các chế định liên quan đến việc xử lý các vi phạm về bảo hiểm xã hội cần được xây dựng đồng bộ với các luật hiện hành, đảm bảo tính khả thi trên thực tế, góp phần đảm bảo hiệu lực của Luật khi đưa vào áp dụng.

Bài và ảnh: Xuân Khu
Không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã nỗ lực, trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Về vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN