Cần quan tâm vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động

Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều buổi lấy ý kiến của người dân về việc dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, nhiều ý kiến góp ý cần có luật chăm lo về nhà ở cho người lao động.

Chú thích ảnh
Khu nhà ở xã hội giá rẻ tại phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân, tại điểm b, khoản 4, Điều 22 Nghị định số 49 về sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 100 của Chính phủ hướng dẫn Luật Đất đai quy định, đối với trường hợp đối tượng đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không có hộ khẩu thường trú theo quy định tại điểm a, khoản này phải có bản sao giấy xác nhận đăng ký tạm trú và giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Điều này cho thấy thủ tục còn rườm rà, phức tạp khiến người lao động “nhập cư” tại Bình Dương khó tiếp cận loại nhà này.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nhu cầu mua và thuê nhà ở xã hội rất cao tại các khu công nghiệp của địa phương. Một bộ phận người lao động xa quê vẫn chưa mua được nhà nên buộc phải thuê nhà trọ do hộ gia đình, cá nhân tự xây. Nhiều khu nhà trọ đã xuống cấp, chật chội, nóng bức ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động… Để khắc phục tình trạng trên, các ý kiến đề xuất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư, xây dựng nhà trọ cho người lao động thuê.

Cùng với đó, nhiều dự án nhà ở xã hội đã xây dựng xong nhưng thiếu đồng bộ do không có nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở khám, chữa bệnh, khu vui chơi, giải trí… Vì vậy, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đề nghị Luật Đất đai lần này cần có chính sách về đầu tư đồng bộ các cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giáo dục.

Thực tế khảo sát cho thấy, hiện nay các khu nhà ở xã hội được xây dựng rất xa các khu công nghiệp. Người lao động mất thời gian do phải di chuyển trên đoạn đường quá dài, làm gia tăng nguy cơ ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và thêm khó khăn về tài chính do phát sinh chi phí đi lại. Do đó, khi quy hoạch khu đất xây dựng nhà ở xã hội cần chú ý đến nơi làm việc của người lao động, gần các khu, cụm công nghiệp…

Tính đến trung tuần tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 60.000 doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước (tổng vốn đăng ký là 627.000 tỷ đồng) và hơn 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (tổng vốn đăng ký 40 tỷ USD). Tại các khu, cụm công nghiệp có khoảng 1,2 triệu lao động (chiếm 52% dân số của tỉnh), đa số là lao động trẻ đang lập thân, lập nghiệp, nên có nhu cầu về nhà ở rất cao; nhất là nhà ở xã hội có giá thành thấp. Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương kiến nghị, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, Công đoàn và toàn xã hội để góp ý sửa đổi Luật đúng trọng tâm, đối tượng, giúp giải quyết và chăm lo tốt hơn đời sống đoàn viên, người lao động...

Tin, ảnh: Chí Tưởng (TTXVN)
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Công khai, minh bạch luôn phải đặt lên hàng đầu
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Công khai, minh bạch luôn phải đặt lên hàng đầu

Ngày 14/3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Văn phòng Chính phủ và UBND thành phố tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của 19 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN