Khẩn trương xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025

Chiều 14/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về thực hiện công tác giảm nghèo 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Mục tiêu giảm nghèo xuống dưới 3%

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, thực hiện chính sách giảm nghèo, ngân sách trung ương đã bố trí 22.850 tỷ đồng thực hiện một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo. Tính đến ngày 30/6/2020, Ngân hàng chính sách xã hội đã cho gần 423.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay hơn 18.600 tỷ đồng.

Liên quan đến kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngân sách trung ương bố trí thực hiện năm 2020 với hơn 10.059 tỷ đồng, đảm bảo đúng tiến độ thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Tính đến hết năm 2019, cả nước còn 8.464 hộ nghèo có thành viên là người có công (gồm 2 nhóm: hộ nghèo không còn sức lao động; hộ nghèo có thành viên còn khả năng lao động, có thể vươn lên thoát nghèo) tại 40 tỉnh, thành phố; giảm 36,26% so với năm 2017.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, các địa phương đang tập trung chỉ đạo, đưa ra giải pháp nhằm thực hiện quyết liệt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 không còn hộ người có công thuộc diện nghèo. Dự kiến đến hết năm 2020, mục tiêu giảm nghèo sẽ giảm từ 3,75% (năm 2019) xuống dưới 3%; bình quân giảm 1 - 1,5%/năm, tỷ lệ nghèo tại huyện nghèo giảm trên 4%/năm so với năm 2019, đạt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ giao.

Liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đã chủ động hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi xác định đối tượng hỗ trợ do bị ảnh hưởng sâu về thu nhập do dịch bệnh. Đến nay, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí 17.500 tỷ đồng; thực hiện giải ngân hơn 11.267 tỷ đồng cho trên 11 triệu người, trong đó cơ hơn 7 triệu người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

“Về cơ bản đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ đối với nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, hiện một số địa phương gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 như thực hiện chính sách đặc thù y tế, thực hiện phân khai vốn các chương trình mục tiêu quốc gia...

Theo kết luận của Kiểm toán nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành, phân công và giao trách nhiệm của một số địa phương chưa tuân thủ công tác báo cáo kết quả thực hiện chương trình theo định kỳ 6 tháng và năm 2020. Một số địa phương chuyển nguồn sai quy định, bố trí vốn cho công trình, dự án không thuộc đối tượng hỗ trợ…

Khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, phương hướng trọng tâm trong thời gian tới nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trong triển khai chương trình; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ, trong thời gian tới, các bộ, ngành chú trọng nhiệm vụ trình Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, chuẩn nghèo đa chiều trẻ em áp dụng cho giai đoạn 2021-2025; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định, mặc dù tỷ lệ nghèo giảm, vượt mục tiêu đề ra nhưng nhiều nơi vẫn cao, khoảng trên 20%, thậm chí trên 30% tại một số tỉnh miền núi). Do đó, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc; chênh lệch giàu - nghèo; khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản (y tế, giáo dục…), thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư… chưa được thu hẹp, đặc biệt tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách đặc thù với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng nên hiệu quả chưa cao. Nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo còn dàn trải, chưa tập trung, chưa hỗ trợ đủ mức chuyển biến đời sống người nghèo vùng dân tộc thiểu số. Trong khi đó, các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy vai trò “đầu tàu”, thiếu tính vượt trội trong các chương trình đầu tư; còn khoảng cách giữa vùng kinh tế trọng điểm và vùng khó khăn, tính liên kết vùng yếu…

Thảo luận bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh nên cụ thể hóa mục tiêu giảm nghèo vào chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từng năm và cả giai đoạn; có lộ trình, giải pháp, thực hiện phù hợp, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá…

Nêu rõ nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện các chính sách giảm nghèo, các ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh việc phân cấp cấp xã, cộng đồng, người dân; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt tại xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo ở tất cả các cấp, đặc biệt cấp cơ sở.

Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, một số ý kiến nhấn mạnh cần huy động vốn đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp; tạo cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh để khai thác thế mạnh tại địa bàn huyện nghèo, vùng nghèo.

Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong thời gian tới, các bộ, ngành khẩn trương báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025; chuẩn nghèo đa chiều trẻ em áp dụng cho giai đoạn 2021-2025; phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương sớm sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 nhằm tổ chức thực hiện chính sách và chương trình giảm nghèo bền vững hiệu quả.

Diệp Trương (TTXVN)
Đề xuất chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2021 - 2025
Đề xuất chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2021 - 2025

Ngày 19/9, tại Bạc Liêu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, đề xuất chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN