Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc năm 2015, vùng Tây Bắc tiếp tục có những bước chuyển biến rõ rệt trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo... việc giảm nghèo ở vùng Tây Bắc còn rất nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi cần phải có những nỗ lực vượt bậc để cải thiện một số vấn đề: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; nâng cao sức khỏe bà mẹ; vệ sinh môi trường…
Thay đổi chuẩn nghèo từ đơn chiều sang đa chiềuMột trong những phương pháp quan trọng được áp dụng tại Tây Bắc là đổi mới cách tiếp cận, thay đổi từ cách tiếp cận đơn chiều sang đa chiều.
Ở Việt Nam thời gian qua chỉ xây dựng chuẩn nghèo đơn chiều hoàn toàn dựa vào các tiêu chí thu nhập, trong đó chuẩn nghèo được xác định theo phương pháp “chi phí cho các nhu cầu cơ bản”. Nhu cầu cơ bản là chi cho nhu cầu tối thiểu về lương thực và chi cho phi lương thực thiết yếu (giáo dục, y tế, nhà ở…). Như vậy mặc dù một số hộ nghèo không đứng trong danh sách hộ nghèo nhưng nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa lại đang thiếu thốn các dịch vụ y tế, nước sạch, trẻ em phải học trong những ngôi trường bốn bề gió lùa….
Những năm gần đây nhiều hộ dân ở Huyện Yên Bình, Yên Bái đã xây dựng mô hình nuôi dê trên các đảo trong lòng hồ Thác Bà mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN |
Với cách tiếp cận theo thu nhập như trên, hiện nay việc đo lường nghèo của nước ta không còn phù hợp với xu thế mới. Một số nhu cầu cơ bản của con người không thể quy ra tiền (như tham gia xã hội, an ninh, vị thế xã hội…) hoặc không thể mua được bằng tiền (tiếp cận giao thông, thị trường, đường xá và các loại cơ sở hạ tầng khác, an ninh, môi trường, một số dịch vụ y tế/ giáo dục công…); Có một số hộ có thu nhập trên chuẩn nghèo thì trong một số trường hợp thu nhập đó sẽ không chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu như thay vì chi tiêu cho y tế, giáo dục thì lại chi cho thuốc lá, rượu bia và các mục đích khác. Đặc biệt, khi nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010 với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và di cư rất nhanh, phương pháp tiếp cận nghèo này càng bộc lộ nhiều hạn chế.
Đứng trước nhiều vấn đề nhức nhối ấy, nhằm đạt được cam kết trước cộng đồng quốc tế cũng như xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động đổi mới cách tiếp cận từ đơn chiều sang đa chiều, nhằm tiến tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Khác với việc xác định chuẩn nghèo chỉ dựa theo thu nhập, chuẩn nghèo mới dự kiến sẽ xem xét dựa trên 5 chiều gồm: y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội. Chuẩn nghèo mới sẽ không chỉ tác động đến người nghèo mà sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương, khu vực. Đây sẽ là một “bước ngoặt” lớn trong việc thay đổi chính sách giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong những giai đoạn tiếp theo. Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều là thay đổi cần thiết để thực hiện xóa nghèo bền vững.
Bởi lẽ, nếu như với cách tiếp cận đa chiều có thể đo lường nghèo trên tất cả các bình diện của đời sống (y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, tiếp cận giao thông, thị trường, an ninh, môi trường, văn hóa…) thì việc đo lường chuẩn nghèo, tỉ lệ nghèo, xác định đối tượng nghèo của phương pháp đơn chiều chỉ hoàn toàn dựa trên các chi phí thu nhập, điều này không giúp xây dựng nên cơ chế giảm nghèo bền vững, không đảm bảo mọi mặt của đời sống an sinh xã hội.
Phát triển bền vữngĐể tránh bệnh thành tích trong giảm nghèo và tốn kém nhiều chi phí để rà soát đối tượng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị trong giai đoạn 2016 - 2020 giao Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm, công bố tỷ lệ nghèo của cả nước đến các tỉnh, thành phố hằng năm (có cập nhật chỉ số giá tiêu dùng CPI) và có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương tổ chức điều tra, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách ở cơ sở, cách thức quản lý đối tượng bảo đảm chặt chẽ, hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách.
Phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều là phương pháp tiếp cận mới được cộng đồng quốc tế khuyến nghị các nước áp dụng để giải quyết tình trạng nghèo. Việt Nam là quốc gia ở châu Á tiên phong áp dụng và thực hiện phương pháp này. |
Trong giai đoạn tới, việc điều tra xác định đối tượng được thực hiện vào đầu kỳ (năm 2015), giữa kỳ (năm 2018) và cuối kỳ (năm 2020) chứ không tổ chức điều tra, rà soát hằng năm như hiện nay. Như vậy, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được ổn định thực hiện chính sách từ 2 - 3 năm để bảo đảm thoát nghèo bền vững. Trên cơ sở điều tra mức sống hộ gia đình và dựa trên những thay đổi và mức độ thay đổi sẽ là làm cơ sở để định hướng các chính sách phát triển kinh tế vùng, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.
Cách tiếp cận nghèo đa chiều tại Việt Nam là cách tiếp cận theo quyền nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người. Các nhu cầu cơ bản này được coi là quan trọng ngang bằng nhau và con người có quyền được đáp ứng tất cả các nhu cầu này để có thể đảm bảo một cuộc sống bình thường. Sự đổi thay của Tây Bắc vẫn còn là một dấu hỏi lớn nhưng đi cùng với những nỗ lực đổi mới vượt bậc này, chúng ta hoàn toàn có quyền kì vọng vào một Tây Bắc trở nên giàu mạnh trong tương lai.