Giảm nghèo bền vững vùng Tây Bắc: Nhiều giải pháp đột phá

Sáu tỉnh vùng Tây Bắc cần tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.

Rà soát lại các chương trình, đề án

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các tỉnh vùng Tây Bắc cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc một cách bền vững, trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng. Có bước đột phá trong phát triển nông, lâm, nghiệp như phát triển vùng chuyên canh tập trung gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng dần tỷ trọng trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất và cải tạo đất. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, tạo sự liên kết vùng, địa bàn, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân.

Mô hình trồng rau giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình tại xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay, Điện Biên). Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Quốc hội đề ra, trong đó chú trọng tập trung rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch, các chương trình, đề án, chính sách đã ban hành trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các Chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo khác.

Trên cơ sở Đề án chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, xây dựng các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội cơ bản. Thực hiện việc xây dựng và triển khai tổng điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới. Mở rộng và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho người nghèo để tạo việc làm tại chỗ, tham gia lao động trong nước hoặc xuất khẩu lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo làm ăn phát triển kinh tế gia đình.

Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là ở cấp xã về khuyến nông, khuyến lâm, lợi ích của việc áp dụng các giống mới, cây trồng, vật nuôi có năng suất cao nhằm nâng cao hiệu quả trực tiếp cho người dân.

Hoàn thiện công tác quy hoạch sản xuất, quy hoạch dân cư, định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế sản xuất trên địa bàn, triển khai công tác đào tạo nghề theo địa chỉ, thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo hiệu quả hơn. Thực hiện việc chuyển diện tích đất của các nông, lâm trường sử dụng không hiệu quả cho người dân địa phương theo Nghị quyết của Quốc hội.

Triển khai nhân rộng các mô hình giảm nghèo đặc thù, mô hình kết hợp giữa giảm nghèo và bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng biên giới. Nhân rộng các mô hình, điển hình làm tốt công tác giảm nghèo; đặc biệt là giữa các hộ nông dân.

Phân cấp, trao quyền cho các địa phương

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu đề xuất chuyển một số chính sách cho không, cấp không sang chính sách cho vay ưu đãi, cho không có điều kiện. Tích hợp các chính sách liên quan đến nhiều văn bản như chính sách hỗ trợ về giáo dục đào tạo, vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tạo việc làm tăng thu nhập cho người nghèo, cận nghèo... theo nguyên tắc hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn để gắn trách nhiệm và tính tự giác của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đối với các chính sách hỗ trợ trực tiếp chỉ thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội và người có công.

Nghiên cứu ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ có khả năng tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn các huyện nghèo, để giúp các huyện nghèo giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn. Khuyến khích hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo vươn lên thoát nghèo, thông qua hình thức tăng thêm nguồn lực đối với những địa bàn thực hiện tốt; cắt giảm các huyện, xã thực hiện đạt hiệu quả thấp. Nghiên cứu điều chỉnh các chính sách giảm nghèo theo hướng: Không ban hành các chính sách hỗ trợ sinh kế bình quân, dàn trải mà chỉ hỗ trợ thông qua các mô hình sinh kế cho hộ nghèo do cấp xã làm chủ (hướng mục tiêu giảm nghèo trong các dự án vi mô).

Một số địa phương, nhất là những nơi cấp ủy và chính quyền chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong công tác giảm nghèo cần quán triệt, thống nhất và tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong các cấp, các ngành cùng nhân dân trong vùng thực hiện tốt công tác giảm nghèo cũng như thực hiện đồng bộ, hệ thống một số nhiệm vụ trọng tâm, đặc thù của vùng. Gắn trách nhiệm của lãnh đạo các cấp đối với công tác giảm nghèo và tín dụng xã hội theo Chỉ thị số 40 - CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Đồng thời xây dựng cơ chế thực hiện mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn; ưu tiên đầu tư cho các hộ đăng ký phấn đấu thoát nghèo để hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo theo kế hoạch. Áp dụng cơ chế quản lý bảo toàn nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện các mô hình giảm nghèo ở các địa phương để có điều kiện nhân rộng mô hình và tăng trách nhiệm sử dụng vốn của các hộ nghèo.

Các tỉnh trong vùng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền, ưu tiên các nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp giảm nghèo vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện các chính sách, pháp luật giảm nghèo ở địa phương. Đổi mới cách thức và giải pháp tổ chức thực hiện giảm nghèo phù hợp với đặc điểm của địa bàn; chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp để tạo hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Thành lập Văn phòng giảm nghèo tại cấp tỉnh và hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo chuyên trách cấp cơ sở.
N.V.T
Xác định chuẩn nghèo đa chiều
Xác định chuẩn nghèo đa chiều

Một trong những phương pháp để giảm nghèo bền vững cho đồng bào Tây Bắc là đổi mới cách tiếp cận từ đơn chiều sang đa chiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN