Với quyết tâm vượt khó vươn khơi, bám biển, các ngư dân, chủ tàu cá đang tìm đủ mọi cách để tiết kiệm chi phí, đánh bắt hiệu quả nhằm bù lại phần chi phí nhiên liệu tăng.
Xoay sở để không lỗ vốn
Tàu cá QNg 98366 TS đang cập cảng để sửa chữa, chuẩn bị cho chuyến đi mới tại Cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Ông Trần Ngọc Sen, chủ tàu cá chuyên đánh bắt cá ngừ này cho biết, ông vừa kịp đổ đầy nhiên liệu cho tàu ngay trước khi giá dầu diesel tăng vượt ngưỡng 25.000 đồng/lít vào 11/3.
Ông Sen chia sẻ: “Năm ngoái, đối với tàu có công suất 675CV như của tôi thì mỗi chuyến đi biển 10 ngày sẽ phải đổ hơn 4.500 lít dầu, chi phí hơn 80 triệu đồng. Nhưng với giá dầu tăng cao như hiện nay thì mỗi chuyến tốn trên 100 triệu tiền dầu. Cộng thêm các phí tổn khác như: đá lạnh, lương thực, tiền công cho thuyền viên... thì chi phí cho mỗi chuyến vươn khơi khoảng 200 triệu đồng”.
Ông Trần Ngọc Sen nhẩm tính, nếu được giá 30 – 40.000 đồng/kg cá ngừ thì tiền thu về được hơn 200 triệu, trừ phí tổn thì tiền lãi rất ít. Còn nếu không đánh bắt được cá hoặc thương lái thu mua giá thấp thì ông đành chấp nhận lỗ. Để cân đối thu chi, ông Sen thường cho tàu vươn khơi trong khoảng thời gian 10 – 12 ngày, đủ dài để đạt sản lượng mong muốn, nhưng không quá lâu để giữ chất lượng cá tươi ngon. Theo ông, việc đi biển dài ngày để đánh bắt được nhiều cá không phải là phương án khả thi, vì chất lượng cá thấp sẽ phải bán với giá loại 2 - 3 và không đủ bù vào chi phí.
Có gần 20 năm kinh nghiệm làm thuyền viên tàu cá khắp các tỉnh thành từ Nam ra Bắc, ngư dân Nguyễn Đảng, quê Quảng Ngãi cho biết, các chủ tàu và thuyền viên đang phải tiết kiệm hơn để bù vào chi phí.
Anh Đảng cho biết thêm: “Bình thường thì khi vào bờ, chúng tôi sẽ thuê người làm các việc vá lưới, sửa chữa ngư cụ. Bây giờ, anh em tranh thủ những lúc rảnh rỗi tự làm, tiết kiệm được một phần chi phí. Khẩu phần ăn uống, tiện nghi sinh hoạt trong thời gian đi biển cũng phải tiết kiệm hơn, để còn dư tiền chia nhau sau mỗi chuyến biển”.
Kiến nghị sớm có giải pháp hỗ trợ
Ngư dân Nguyễn Văn Hùng, chủ tàu ĐNa 90695 TS trú tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Việc giá xăng dầu tăng khiến khó khăn chồng chất khó khăn, phí tổn mỗi chuyến biển đã tăng thêm khoảng 20%. Ngư trường cạn kiệt, tác động của dịch bệnh khiến giá thủy sản bán ra bấp bênh, nên đi biển thì sợ lỗ, mà không đi thì thất nghiệp. Chúng tôi mong các cơ quan nhà nước có thêm các biện pháp hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển trong thời gian khó khăn này”.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng, các cấp chính quyền cần sớm có giải pháp hỗ trợ ngư dân trước tình hình giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay.
Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng cho rằng, chi phí đầu vào - nhiên liệu đã tăng cao nhưng đầu ra - giá thu mua thủy sản chưa thể tăng tương ứng. Ngành du lịch chưa phục hồi nên sức tiêu thụ còn thấp, thủy sản chưa đạt được giá trị vốn có. Việc sợ lỗ vốn đã khiến nhiều chủ tàu cá lo ngại không ra khơi, khiến các ngành dịch vụ hỗ trợ nghề cá cũng bị suy giảm theo.
Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng kiến nghị: “Tuy giá xăng dầu tăng theo thế giới, nhưng Nhà nước có thể miễn giảm các khoản thuế phí với xăng dầu. Ví dụ như tàu cá hoạt động trên biển, không gây ô nhiễm mỗi trường trong nước nên có thể miễn thuế môi trường cho tàu thuyền hoạt động thủy sản. Nhiên liệu là mặt hàng cần thiết chứ không phải là mặt hàng xa xỉ nên cũng cần miễn thuế tiêu thụ đặc biệt”.
Thời gian qua, các ngư dân rất vui mừng khi được hỗ trợ tiền dầu theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Tuy nhiên, quyết định này vẫn còn nhiều giới hạn rất khắt khe, khiến nhiều ngư dân gặp khó khăn khi thụ hưởng chính sách.
Theo Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng, để tháo gỡ các khó khăn cho ngư dân trước biến động về giá nhiên liệu, Nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng, đến nay trên địa bàn có hơn 1.200 tàu đánh bắt các loại với công suất bình quân 324 CV/tàu; trong đó, tàu khai thác vùng khơi có hơn 590 tàu, chiếm 48%.