Cần chiến lược phát triển thương hiệu biển

Để thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển, việc xây dựng, phát triển Thương hiệu Biển Việt Nam là rất cấp thiết.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh và lợi thế từ biển đang trở thành mục tiêu quan trọng mang tính chiến lược ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng đã xây dựng “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu đưa đất nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển.

Đóng gói nước mắm cho khách du lịch tại doanh nghiệp sản xuất nước mắm Khải Hoàn (Phú Quốc). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN.


Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích khoảng 1.700 km2, trong đó có 3 đảo có diện tích lớn hơn 100 km2 là Phú Quốc (Kiên Giang), Cái Bầu (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng), 23 đảo có diện tích lớn hơn 10 km2, 82 đảo có diện tích lớn hơn 1 km2 và khoảng trên 1.400 đảo nhỏ chưa có tên với nhiều tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mới chỉ có số ít vùng biển đảo đã xây dựng được thương hiệu du lịch cũng như thương hiệu cho các sản phẩm từ biển, đảo. Sở dĩ như vậy bởi hiện nay nhiều địa phương chưa có cơ chế, chính sách phù hợp, thống nhất và đồng bộ để xây dựng một qui hoạch tổng thể cho việc khai thác tiềm năng tài nguyên biển và hải đảo.

Ông Vũ Sỹ Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, để xây dựng được một thương hiệu sản phẩm hay thương hiệu vùng biển, đảo là vô cùng khó, đòi hỏi quá trình dài và cần có sự đồng bộ từ trên xuống dưới. Do đó, để phát triển mạnh kinh tế biển, đảo và phát triển thành công Thương hiệu Biển, sản phẩm biển Việt Nam, Nhà nước phải có một cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp và đồng bộ cùng với nguồn lực đầu tư đúng hướng, đủ mạnh. Cần có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp với các địa phương có biển, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên biển.

Hình thức quảng bá sản phẩm cần đa dạng, giới thiệu sản phẩm riêng đặc trưng của mỗi đảo với nhiều hình thức. Đồng thời, các địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Hồ tiêu, Hiệp hội Cà phê, Ca cao... để xây dựng thương hiệu tập thể và thương hiệu riêng cho từng mặt hàng của cơ sở sản xuất, chế biến.

Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, hấp dẫn tạo ra những lợi thế ưu đãi khuyến khích cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để tranh thủ các nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế biển, đảo; đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để phát triển thương hiệu các sản phẩm của doanh nghiệp mình.

Thu Trang
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền

Kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN