Hoằng Hóa là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hóa, có bờ biển dài 12 km và hai cửa lạch chính là Lạch Trường và Lạch Hới. Huyện có 42 xã đang triển khai xây dựng nông thôn mới, trong đó có 8 xã ven biển, 6 xã bãi ngang.
Để đánh thức, khơi dậy tiềm năng du lịch của vùng biển hoang sơ, huyện Hoằng Hóa đã chủ động trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến. Năm 2012, huyện tổ chức khai trương lần đầu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, qua 6 mùa du lịch, đến nay Hải Tiến đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách mọi miền.
“Kéo rùng” là một loại hình nghề biển dùng lưới bắt cá gần bờ với sự tham gia của rất nhiều người vào buổi sáng sớm, là phương pháp đánh bắt hải sản có từ lâu đời, khởi phát từ ngư dân vùng biển Quảng Xương (Thanh Hóa). Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN |
Theo ông Lê Xuân Thảo, Giám đốc khách sạn Ánh Phương, Khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa): Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2004. Thời điểm đó, khu vực này còn hoang sơ với những đồi cát trắng và xương rồng mọc chi chít, gần như không có người ở. Nhận thấy tiềm năng du lịch lớn từ khu vực này, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức hội thảo và thống nhất tăng cường đầu tư vào khu vực này để cải thiện hơn nữa đời sống của nhân dân. Năm 2010, đã có 7 công ty đầu tư hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, khu vui chơi giải trí tại khu vực này với quy mô gần 3.000 phòng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Cũng theo ông Thảo, hiện khu vực biển Hải Tiến có khoảng 230 bè mảng của ngư dân. Trước đây khi chưa làm du lịch, hải sản đánh bắt được đều bán cho đầu nậu, lái buôn hoặc phải chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Nhưng hiện nay, nhờ phát triển du lịch nên bà con có thể bán ngay tại chỗ. Bên cạnh đó, bên ngoài khu du lịch, hàng trăm hộ gia đình ở các xã vùng du lịch cũng đã mạnh dạn đầu tư nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch phục vụ du khách. Người dân đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tập trung vào sản xuất các loại rau màu phục vụ du lịch kết hợp với khai thác và nuôi trồng hải sản cung cấp cho khu du lịch. Các sản phẩm nông nghiệp như: ngô, khoai, mía, rau sạch, rượu Ngọc Chuế (Hoằng Yến), nước mắm Khúc Phụ (xã Hoằng Phụ), hải sản tươi sống… được các công ty du lịch ký hợp đồng thu mua với nhân dân địa phương. Theo tính toán, thu nhập bình quân của các hộ dân mỗi mùa du lịch từ 50 - 100 triệu đồng, hơn hẳn làm nông nghiệp như trước đây.
Bên cạnh phát triển du lịch biển, nuôi trồng thủy sản cũng là ngành kinh tế mũi nhọn mà huyện Hoằng Hóa xác định đầu tư để góp phần xây dựng nông thôn mới. Với diện tích nuôi nước mặn, nước lợ ổn định gần 1.500 ha, nhân dân đã nuôi các loài có giá trị kinh tế cao như ngao, tôm, cua, rau câu... trong đó có trên 50 ha nuôi thâm canh được đầu tư hiện đại cho năng suất từ 18 - 20 tấn/ha/vụ nuôi. Các xã đã chuyển đổi mô hình nuôi độc canh con tôm sú sang nuôi đa canh, đa con, đa thời vụ theo hình thức quảng canh cải tiến và bán thâm canh đem lại hiệu quả cao, ổn định.
Cơ sơ hạ tầng vùng nuôi tiếp tục được đầu tư, dịch vụ hậu cần có bước phát triển, bến cá Hoằng Trường được đầu tư và đang tiếp tục xây dựng bến cá Hoằng Phụ. Cụm công nghiệp Hoằng Phụ đã công bố điều chỉnh quy hoạch để kêu gọi đầu tư nhằm từng bước hoàn thiện chuỗi khai thác hậu cần, dịch vụ nâng cao hiệu quả kinh tế thủy sản và phát triển triển kinh tế, xã hội vùng biển. Các sản phẩm chế biến thủy sản tiếp tục được duy trì và phát triển. Huyện đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm nước mắm Khúc Phụ và một số sản phẩm chế biến hải sản khác...
Ông Phạm Đình Tuy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho biết: Năm 2011, Hoằng Hóa mới đạt 6,7 tiêu chí/xã, 8 xã vùng biển bình quân đạt 5,75 tiêu chí/xã. Sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, Hoằng Hóa đã đạt bình quân 15 tiêu chí/xã tăng 8,3 tiêu chí. Đến nay, Hoằng Hóa có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và kế hoạch năm 2016, sẽ có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt mục tiêu đến năm 2020 trở thành huyện nông thôn mới, huyện Hoằng Hóa xác định trong các năm tới kinh tế biển vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn để ưu tiên phát triển, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Huyện tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của từng xã và sự liên kết trong vùng nhằm phát triển nhanh, bền vững với các lĩnh vực mũi nhọn và đột phá đó là khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; du lịch và dịch vụ phục vụ du lịch. Đối với các xã vùng biển, huyện khẩn trương rà soát và lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.