Bảo tồn, khai thác hiệu quả nguồn lợi hải sản phục vụ Chiến lược biển Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi cá lồng bè tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Chiến lược đã định hướng phát triển đột phá về nuôi biển, xây dựng ngành nuôi biển công nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Điều này góp phần triển khai hiệu quả “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 36-NQ/TW).

Đưa vào hoạt động 10 khu bảo tồn biển

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả điều tra nguồn lợi hải sản biển Việt Nam đã đánh giá được hiện trạng nguồn lợi hải sản, xác định được 1.207 loài hải sản (945 loài cá; 135 loài giáp xác; 48 loài động vật chân đầu; 50 loài thuộc nhóm khác) phân bố ở các vùng biển.

Trữ lượng trung bình của các nhóm nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam (bao gồm các nhóm chủ yếu: Cá nổi nhỏ, cá nổi lớn và hải sản tầng đáy) ước tính khoảng 4,36 triệu tấn, dao động từ 4,1 đến 4,6 triệu tấn (chưa bao gồm vùng biển sâu, gò nổi...). Khả năng cho phép khai thác trung bình ước tính khoảng 2,45 triệu tấn (dao động từ 2,27 đến 2,63 triệu tấn), trong đó cá nổi nhỏ 1.590 nghìn tấn; cá nổi lớn 515 nghìn tấn và hải sản tầng đáy 340 nghìn tấn. Sản lượng khai thác các nhóm cá biển, tôm, cua ghẹ, mực và bạch tuộc của các đội tàu có công suất từ 20CV trở lên trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khoảng 3,0-3,3 triệu tấn/năm.

Đến nay, cả nước đã thành lập và đưa vào hoạt động được 10/16 Khu bảo tồn biển gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. 6 Khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt gồm: Hòn Mê, Hải Vân-Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế), Phú Quý, Nam Yết, Cô Tô, Đảo Trần. 

Trong 10 khu bảo tồn biển đã thành lập và đi vào hoạt động, có 3 khu bảo tồn biển nằm trong Vườn quốc gia là Cát Bà, Núi Chúa và Côn Đảo. Ba khu bảo tồn biển này không thành lập riêng ban quản lý và chỉ bổ sung thêm phòng quản lý về bảo tồn biển trực thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia để quản lý hợp phần biển theo Nghị định số 117/NĐ-CP. 

Vụ trưởng Vụ Bảo tồn Tổng cục Thủy sản Trần Lê Nguyên Hùng cho biết: Theo báo cáo của 35/63 tỉnh, thành phố, 5 năm qua có khoảng 171 tấn và 4,5 triệu con cá giống được thả vào các vùng biển, thủy vực tự nhiên, hồ chứa. Đối tượng thả tập trung vào các loài cá có giá trị kinh tế và các loài cá bản địa quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Hàng triệu con tôm sú đã được thả tại các địa phương như Bạc Liêu, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nam Định…; nguồn kinh phí thực hiện công tác tái tạo thả giống gồm ngân sách Trung ương cấp và huy động các nguồn lực xã hội.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thủy sản, tổng số tàu cá của Việt Nam là 109.622 chiếc, với tổng công suất trên 10 triệu CV. Trong đó, ngoài các tàu được sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước có chất lượng khá, số tàu còn lại chủ yếu do ngư dân tự đầu tư nên chất lượng đội tàu cá không cao.

Đến thời điểm hiện tại, các tàu cá có công suất nhỏ dưới 90CV là 73.167 chiếc, chiếm 66,74% trong tổng số tàu cá là các tàu vỏ gỗ, trang thiết bị về hàng hải, khai thác cũng như bảo quản còn thiếu, lạc hậu. Tàu cá loại này có kích thước nhỏ nên việc cải tạo, bố trí lắp đặt các trang thiết bị trên tàu khó khăn, điều kiện sinh hoạt, làm việc trên tàu bị hạn chế. Số lượng tàu có suất từ 90 CV trở lên là 36.455 chiếc, chiếm 33,26%. Trong đó, tàu vỏ thép và composite chiếm số lượng không đáng kể (349 tàu vỏ thép, 78 tàu vỏ composite), còn lại phần lớn tàu cá vỏ gỗ được đóng theo mẫu dân gian. Bên cạnh đó, do khó khăn về kinh tế nên ngư dân thường lắp máy cũ, chủng loại máy đa dạng và được nhập khẩu từ nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Trung Quốc... để giảm chi phí.

Các trang thiết bị trên tàu cá bao gồm các phương tiện cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng, trang bị hàng hải, trang bị khai thác trên tàu cá nhìn chung đều có nhưng không đủ; việc bố trí các trang thiết bị trên tàu cũng chưa phù hợp... Cơ giới hóa trong quá trình khai thác chưa cao, các tàu cá mới trang bị được các trang thiết bị cơ bản như: Cẩu, tời… nhiều khâu trong quá trình khai thác, vận chuyển hàng hóa vẫn sử dụng sức người như kéo lưới, thu cá… làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Hiện khai thác hải sản tập trung sản xuất theo các nhóm nghề chính như nghề lưới kéo: 19.574 chiếc, chiếm 18%; nghề lưới vây: 5.231 chiếc, chiếm 5%; nghề lưới rê: 36.518 chiếc, chiếm 33%; nghề câu: 18.462 chiếc, chiếm 17%; tàu dịch vụ hậu cần: 2.140 chiếc, chiếm 2%; các nghề khác 27.697 chiếc, chiếm 25%. Đến nay, số lao động trực tiếp khai thác thủy sản có gần 850.000 người. Lao động nghề cá phần lớn chưa được đào tạo, chủ yếu do "cha truyền con nối". Đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hầu hết ít được đào tạo qua trường lớp chính quy, thiếu các kiến thức cơ bản để có thể sử dụng được các thiết bị hàng hải, khai thác. Trình độ văn hóa trung bình rất thấp, chỉ có 34,5% tốt nghiệp trung học cơ sở, 1,9% tốt nghiệp trung học phổ thông và 0,1% được đào tạo qua các trường đại học, trung học chuyên nghiệp.

Do trình độ văn hóa thấp, phong tục tập quán khác nhau ở từng vùng, điều kiện kinh tế khó khăn, nên việc đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật mới, khả năng tiếp nhận công nghệ tiên tiến bị hạn chế. Hầu như các chủ tàu cá không có hợp đồng lao động với ngư dân đi biển, chỉ thỏa thuận miệng với nhau. Vì vậy, khi tàu cá đánh bắt không hiệu quả, người lao động thường chuyển sang các tàu cá đánh bắt hiệu quả hơn. Do đó, tình trạng lao động trên tàu cá thiếu, không ổn định xẩy ra ở hầu hết các tỉnh.

Định hướng phát triển nuôi biển

Chú thích ảnh
Tàu cá của ngư dân Quảng Trị khai thác hải sản. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Theo Vụ trưởng Vụ Bảo tồn, Tổng cục Thủy sản Trần Lê Nguyên Hùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong Chiến lược đã có định hướng phát triển đột phá về nuôi biển, xây dựng ngành nuôi biển công nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích nuôi biển đạt 270.000 ha, trong đó: Diện tích nuôi vùng biển xa bờ 6.000 ha; diện tích nuôi ven bờ, ven đảo 14.000 ha; diện tích nuôi bãi triều và trong đất liền là 250.000 ha; thể tích lồng nuôi đạt 8.000.000 m3. Sản lượng nuôi biển đến năm 2020 đạt 750.000 tấn; trong đó nhóm cá biển 200.000 tấn, nhóm nhuyễn thể 400.000 tấn, nhóm rong biển 150.000 tấn, nhóm giáp xác 60.000 tấn. Giá trị xuất khẩu sản phẩm nuôi biển (không bao gồm tôm nước lợ) đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

Nuôi trồng thủy sản đã có bước phát triển nhanh chóng trong giai đoạn 2010-2017, nếu như sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2010 đạt 2,7 triệu tấn, đến năm 2017 đã đạt 3,85 triệu tấn. Trong các đối tượng nuôi chủ lực, có sự phát triển mạnh nuôi tôm nước lợ, nhất là tôm thẻ chân trắng. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đã tăng từ 17.000 ha năm 2010 lên 100.000 ha năm 2017, đưa diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2017 đạt 721.000 ha, sản lượng đạt 683.000 tấn, phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường nhập khẩu.

Nuôi các đối tượng nhuyễn thể, cá biển, tôm hùm, cua/ghẹ, tôm càng xanh tiếp tục ổn định (năm 2017 sản lượng nhuyễn thể đạt hơn 270.000 tấn, cá biển 30.000 tấn, tôm hùm 1.530 tấn, cua ghẹ 58.000 tấn…). Về cơ bản, đối tượng nuôi và phương thức nuôi phát triển theo hướng đa dạng hóa, phù hợp với từng vùng kinh tế, bền vững về môi trường sinh thái, có năng suất và hiệu quả cao.

Cả nước hiện nay có hơn 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ (trong đó 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và khoảng 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, sản xuất hơn 100 tỷ giống tôm/năm. Sản xuất giống các đối tượng nuôi biển bước đầu đã đạt được một số thành công (cá giò, cá song, cá chim vây vàng, cua biển, một số loài nhuyễn thể... làm tiền đề cho sự phát triển nuôi biển.

Thời gian qua, nước ta đã phát triển các vùng nuôi tôm, cá công nghiệp, tập trung sử dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tiết kiệm nước, giảm thiểu tối đa các tiêu cực từ việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng nuôi có chứng nhận như VietGAP và tiêu chuẩn quốc tế tương tự, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn, truy nguyên nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản. Phát triển nuôi biển đã có sự chuyển biến, ngoài các đối tượng ngao/nghêu, cua ghẹ tôm hùm đã nuôi nhiều năm, cá biển, rong, tảo biển đã có sự phát triển, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển nuôi biển, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, tạo cơ hội thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản trên biển, hải đảo ngày càng phát triển.

Hoàng Nam (TTXVN)
Điều tra thăm dò nguồn lợi hải sản vùng biển sâu Việt Nam
Điều tra thăm dò nguồn lợi hải sản vùng biển sâu Việt Nam

Sáng 26/2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội thảo tổng kết chương trình môi trường thuộc Quỹ Newton với chủ đề "Tiếp cận dựa trên sinh thái cho nghề cá biển bền vững và đa dạng sinh học ở Việt Nam". Các đại biểu tập trung thảo luận về việc điều tra thăm dò nguồn lợi sinh vật ở vùng biển sâu Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN