Áp lực khai thác hải sản trên nhiều vùng biển ngày càng lớn đã khiến môi trường biển và nguồn lợi hải sản ngày càng bị đe dọa.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong 10 năm qua, số lượng tàu thuyền khai thác hải sản đã tăng khoảng 3,2 lần, từ 41.000 chiếc (năm 1990) lên trên 130.000 chiếc (năm 2010). Trong đó, tàu thuyền có tổng công suất 20 CV trở lên là 57.000 chiếc. Riêng tàu thuyền có công suất trên 90 CV có khả năng khai thác hải sản xa bờ tăng trên 18.000 chiếc, trung bình hơn 1.000 chiếc/năm. Cơ cấu sản phẩm khai thác cũng phong phú. Nhiều loại hải sản khai thác đã góp phần tích cực phục vụ xuất khẩu như cá ngừ, mực...
Bên cạnh đó, công nghệ khai thác cũng được cải tiến nhiều. Cùng các nghề truyền thống như dùng lưới kéo, rê, vây..., việc di nhập một số nghề khai thác thủy sản khác cũng được phổ biến rộng. Đó là nhập nghề câu cá rạn (mú, hồng) từ Hồng Công (Trung Quốc), nghề câu cá ngừ đại dương từ Nhật Bản, nghề chụp mực kết hợp ánh sáng từ Thái Lan... Sự thay đổi cơ cấu nghề nghiệp không chỉ làm đa dạng sản phẩm mà còn giúp ngư dân tiếp cận các sản phẩm có lợi nhuận, chất lượng cao.
Nguồn lợi bị đe dọa
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong 10 năm gần đây, tổng sản lượng thủy sản khai thác hàng năm có tăng nhưng lượng tăng không đáng kể (dưới 2%/năm), trong khi năng suất tính trên đơn vị thuyền nghề và công suất tàu (tấn/cv) giảm từ 30 đến 50%. Hiệu quả hoạt động của nhiều nhóm tàu cá đạt thấp, mức tiêu hao nhiên liệu/tấn sản phẩm cũng tăng từ 25 đến 30% (nghề lưới kéo cá đáy), trong khi chất lượng sản phẩm không cao, lượng sản phẩm có giá trị thấp chiếm tỷ lệ cao kéo theo tình trạng nhiều tàu thua lỗ phải nằm bờ hoặc thay vì ra xa bờ, lại chuyển về khai thác gần bờ.
Ngư dân Phú Yên được mùa cá nhám. Ảnh: Thế Lập - TTXVN |
Thực tế, tại nhiều vùng biển ven bờ, áp lực khai thác không giảm, thậm chí có khu vực còn tăng (vùng biển Bình Thuận - Cà Mau) do có mặt những tàu cá công suất lớn. Thêm vào đó, do số lượng tàu tăng nên xuất hiện tình trạng tranh chấp ngư trường khai thác giữa các nhóm nghề (lưới kéo với các nghề vây, mành) và tàu thuyền.
Công nghệ, phương thức khai thác thiếu thân thiện với môi trường vẫn được sử dụng phổ biến ở hầu hết các địa phương. Trong 40 loại nghề khai thác hải sản của Việt Nam có đến trên 80% khai thác các sản phẩm giá trị thấp, còn sản phẩm chưa trưởng thành chiếm tỷ lệ cao quá quy định (quy định 15%) như nghề lưới kéo đáy (chiếm 50 đến 60%), đáy biển, các nghề sử dụng ánh sáng...
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tăng cường quản lý, kiểm soát phương thức, cường lực khai thác, đảm bảo không làm mất đi khả năng tự sáng tạo, phục hồi mật độ quần thể của các loài hải sản. Trong đó, Tổng cục sẽ tiến hành điều tra, nghiên cứu, đánh giá toàn diện nguồn lợi hải sản và môi trường sống của các loài thủy sinh vật biển.
Bên cạnh việc quy hoạch lại cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp khai thác hải sản ven bờ và xa bờ, Tổng cục tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ công cụ, phương thức khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi hải sản và phá hủy môi trường sống của các loài thủy sinh vật, đặc biệt là việc sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại và các ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác.
Để hoạt động khai thác hải sản đạt hiệu quả kinh tế, Tổng cục sẽ tổ chức lại sản xuất. Theo đó, tập trung vào các hoạt động như tăng cường dự báo ngư trường, hướng dẫn khai thác hải sản; nghiên cứu, du nhập và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong khai thác hải sản, bảo quản và chế biến sản phẩm hải sản, tăng các mặt hàng hải sản giá trị gia tăng phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Bích Hồng