Khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi hải sản
Tỉnh Quảng Trị có bờ biển dài trên 75 km, ngư trường rộng 8.400 km2 nối cửa vịnh Bắc Bộ với Biển Đông, với trữ lượng hải sản khoảng 60.000 tấn/năm. Tỉnh có 5 huyện với 16 xã, thị trấn ven biển có gần 16.000 lao động làm nghề cá; trong đó có khoảng 7.000 lao động trực tiếp trên biển. Trong 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, tỉnh Quảng Trị đã tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế biển; trong đó chú trọng triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, nhất là Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích khai thác hải sản ở vùng biển xa và Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Đến đầu tháng 10/2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt cho 32 ngư dân được vay vốn để đóng mới tàu cá, theo Nghị định 67/NĐ-CP có hiệu lực từ năm 2014. Trong đó, ngư dân đã đóng mới và đưa vào sử dụng 25 tàu cá công suất lớn gồm: 17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã phê duyệt cho 118 chủ tàu được vay vốn để nâng cấp tàu cá công suất lớn, theo Nghị định 67/NĐ-CP; trong đó đã có 93 tàu đi vào hoạt động. Tổng mức đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP ở Quảng Trị đạt trên 550 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được hơn 430 tỷ đồng.
Đối với thực hiện Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng tiền nhiên liệu, cấp trang thiết bị… cho các tàu cá công suất lớn khai thác xa bờ. Đơn cử, chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2018, tỉnh đã hỗ trợ trên 25 tỷ đồng cho hơn 560 chuyến biển khai thác hải sản xa bờ. Ngoài ra, năm 2018 tỉnh còn dành gần 17 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân mua các loại bảo hiểm, chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu cá, chi phí đào tạo kỹ thuật vận hành tàu cá đóng bằng vật liệu mới, kỹ thuật khai thác và bảo quản hải sản, chi phí duy tu và sửa chữa tàu cá. Ngư dân Trần Văn Đạt, 53 tuổi, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết: Việc thực hiện những chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản trong những năm qua, đã tạo bước đột phá trong việc xây dựng đội tàu cá công suất lớn bằng vật liệu mới, được trang bị thiết bị hiện đại, công suất lớn để khai thác được dài ngày trên biển, an toàn và hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần làm thay đổi tu duy sản xuất của ngư dân, từ nhỏ lẻ sang “làm ăn lớn”.
Đến tháng 10/2018, tỉnh Quảng Trị có hơn 2.300 tàu cá; trong đó riêng đội tàu đánh bắt xa bờ có 221 chiếc, tăng trên 90 chiếc so với 10 năm trước. Tỉnh cũng đã hỗ trợ các chủ tàu thành lập được trên 110 tổ, đội sản xuất trên biển với trên 2.600 ngư dân tham gia. Mô hình này đã tạo tâm lý an tâm cho ngư dân cùng nhau vươn khơi, khai thác hải sản, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau hiệu quả hơn. Trong 10 năm qua, sản lượng hải sản khai thác của Quảng Trị đạt bình quân khoảng 20.000 tấn/năm; trong đó có nhiều hải sản cho giá trị kinh tế cao như: Cá thu, mực, cá bè…
Sau hơn 2 năm tập trung khắc phục sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4/2016, đến nay nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản của Quảng Trị đã phục hồi. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, sản lượng khai thác hải sản của tỉnh năm 2016 chỉ đạt 15.500 tấn, năm 2017 đạt gần 24.000 tấn, dự kiến năm 2018 sẽ đạt trên 24.000 tấn, tương đương với sản lượng những năm trước xảy ra sự cố môi trường biển. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2016 chỉ đạt trên 7.000 tấn, năm 2017 đạt 7.800 tấn, dự kiến năm 2018 khoảng 8.000 tấn.
Công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản cũng được tỉnh Quảng Trị chú trọng, nhất là bảo vệ nguồn lợi trong khu bảo tồn biển và xử lý nghiêm việc đánh bắt hải sản tận diệt. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng quyết liệt ngăn chặn, xử lý đánh bắt hải sản tận diệt; tăng cường tập huấn cho ngư dân khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản và không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Sau 9 năm thành lập (tháng 10/2009), nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có diện tích trên 4.530 ha, đã và đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Theo thống kê, hiện nay trong khu bảo tồn này có 224 loài cá; 113 loài san hô, trong đó có loài san hô đỏ quý hiếm, phân bố với mật độ dày đặc, màu sắc đẹp; 57 loài rong biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài động vật phù du và nhiều loài quý hiếm khác, nhất là rùa biển. Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ còn là nơi tập trung các bãi đẻ của nhiều loài có giá trị kinh tế cao và đặc hữu của vùng biển Trung Bộ của Việt Nam.
Việc xử lý tình trạng khai thác hải sản tận diệt, thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách, đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, nắm bắt và xử lý theo quy định của pháp luật đối với những tàu cá làm các nghề bị cấm hoặc dùng chất cấm để khai thác hải sản. Lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng khai thác hải sản trái phép tái diễn, ảnh hưởng đến sản xuất trên biển. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn ngư dân khai thác đúng vùng, đúng tuyến, đùng mùa vụ và đối tượng khai thác; đồng thời tuyên tuyền, phổ biến các quy định hiện hành để ngư dân nắm bắt, tuân thủ quy định về đánh bắt hải sản.
Xây dựng mô hình sản xuất bền vững
Sau hơn 2 năm sự cố môi trường biển, tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, để tạo sinh kế lâu dài cho người dân ở vùng ven biển; đồng thời tiếp tục hỗ trợ nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Theo ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ bà con, lồng ghép vốn từ các chương trình để đầu tư vùng ven biển, tăng cường cán bộ khoa học kỹ thuật về địa phương giúp người dân phát triển các mô hình sản xuất.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng được hơn 80 mô hình sản xuất ở 16 xã, thị trấn ven biển để chuyển đổi sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ở vùng ven biển mang lại hiệu quả cao đã và đang nhân rộng như: Trồng đậu đen xanh lòng ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong cho thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha/vụ; trồng ném ở xã Hải An, huyện Hải Lăng thu lãi 25 - 30 triệu đồng/ha/vụ… Ông Trần Lương, cán bộ khuyến nông được tăng cường về xã ven biển Hải An, huyện Hải Lăng để trực tiếp giúp người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ngay sự cố môi trường biển, cho biết: Các mô hình sản xuất nông nghiệp được xây dựng kịp thời, hiệu quả đã giúp người dân vùng ven biển có thêm nguồn thu nhập.
Với nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó tôm sú, tôm thẻ chân trắng là vật nuôi chủ lực ở vùng ven biển, tỉnh Quảng Trị tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ cao để phát triển bền vững nghề này. Theo đó, tỉnh ưu tiên đầu tư nuôi tôm trong nhà kính, nuôi bằng chế phẩm sinh học, áp dụng tiêu chuẩn VietGap... Hiện nay, các mô hình nuôi tôm hữu cơ, nuôi sinh thái, nuôi quảng canh đã và đang được triển khai ở các xã: Triệu Phước, Triệu Độ, Triệu An, Triệu Vân thuộc huyện Triệu Phong; Gio Mai, Gio Việt, Trung Hải, Trung Giang thuộc huyện Gio Linh; Vĩnh Giang thuộc huyện Vĩnh Linh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ 1.500 ha, sản lượng đạt khoảng 6.800 tấn, giá trị từ tôm nuôi đạt trên 600 tỷ đồng; trong đó diện tích nuôi tôm sú 500 ha, sản lượng đạt khoảng 1.300 tấn, 1.000 ha còn lại nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng đạt khoảng 5.500 tấn. Đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị phấn đấu xây dựng được các vùng chuyên canh nuôi tôm, nhằm tăng giá trị tôm nuôi lên hơn 770 tỷ đồng.