Một là, Nhà nước cần đầu tư xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ biển, trước mắt là công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản có tính đồng bộ, toàn diện nguồn tài nguyên, môi trường biển để có đầy đủ số liệu, luận cứ khoa học nhằm phục vụ việc quy hoạch tổng thể, hoạch định chính sách phát triển các ngành kinh tế biển. Từ đó, xây dựng các chương trình (dự án), kế hoạch trung hạn và dài hạn phát triển các ngành kinh tế biển cấp quốc gia và cấp tỉnh (thành phố) ven biển trong một tổng thể đồng bộ.
Hai là, cần đầu tư một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phục vụ công tác điều tra, thăm dò, đồng thời chú trọng nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới gắn với hoạt động khai thác các nguồn lợi biển nhằm tạo bước đột phá năng suất các sản phẩm của biển như: Dầu khí, khoáng sản, hải sản, các loại hình dịch vụ biển… ưu tiên phục vụ xuất khẩu nhằm tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển.
Ba là, Nhà nước cần ưu tiên xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng dải ven bờ để thu hút đầu từ và hỗ trợ trực tiếp các ngành kinh tế biển. Nghiên cứu từng bước xây dựng các khu công nghiệp ven bờ ngang tầm khu vực như: Khu công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí; khu công nghiệp khai thác và chế biến hải sản; khu công nghiệp chế tạo tàu biển và cảng biển; khu dịch vụ du lịch biển khu công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ thăm dò và khai thác, chế biển sản phẩm biển và công nghệ cảnh báo các nguy cơ thiên tai; công nghiệp dịch vụ trên biển.
Bốn là, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc tại các khu công nghiệp ven biển, đồng thời có chính sách đầu tư đào tạo nguồn nhân lực theo quy hoạch để đảm bảo trong thời gian ngắn có được đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, có chuyên gia đầu ngành, có đội ngũ công nhân lành nghề phục vụ kịp thời cho các ngành kinh tế biển.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển công nghệ thăm dò, khai thác nguồn lợi biển.
Sáu là, có thể tập trung xây dựng và phát triển sớm một số ngành kinh tế biển mũi nhọn.