Hàng điện tử đứng đầu kim ngạch xuất khẩu

Xuất khẩu các mặt hàng điện tử, điện thoại và linh kiện điện tử của Việt Nam tiếp tục có mức tăng trưởng cao nhất và đã vươn lên vị trí đứng đầu trong danh sách 10 hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.


Tăng trưởng nhờ thu hút đầu tư nước ngoài


Theo Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2013, xuất khẩu (XK) điện thoại và linh kiện đạt 15,5 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ, cao gấp nhiều lần so với tốc độ tăng tổng kim ngạch XK. Nếu năm 2009, mặt hàng điện thoại và linh kiện còn đứng thứ 9, thì năm 2010 đã vượt lên đứng thứ 4 (sau dệt may, dầu thô, giày dép); năm 2011 và 2012 vượt lên đứng thứ 2 (sau dệt may); 9 tháng năm 2013 vượt lên đứng đầu trong các mặt hàng XK. Các sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam đã có mặt ở thị trường hơn 50 nước, trong đó, có những thị trường khó tính như EU, Ấn Độ...

 

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Partron Vina (vốn đầu tư của Hàn Quốc) thuộc Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc). Danh Lam - TTXVN


Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) điện tử Việt Nam cho biết, từ kim ngạch 9 tháng đầu năm, có thể dự đoán khả năng cả năm 2013, XK mặt hàng điện tử, điện thoại có thể vượt qua mốc 20 tỷ USD.


Sự tăng trưởng XK các sản phẩm công nghệ cao, điện tử, theo Bộ Công Thương, phần lớn dựa vào các dự án đầu tư của doanh nghiệp FDI. Các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel, Canon, Nidec, Fujitsu, Brother, Panasonic, Renesas, Foxconn, Bosch... trong mấy năm qua đã xây dựng nhà máy tại Việt Nam rồi XK sản phẩm điện thoại, điện tử, máy tính, máy in và cung cấp linh phụ kiện sang các nước khác. Các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới đã đẩy mạnh đầu tư tại thị trường Việt Nam trong những năm qua để tận dụng các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và lợi thế về chi phí nhân công tại Việt Nam.


Tăng tỷ lệ nội địa hóa


Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại, mặc dù, kim ngạch thu về từ hoạt động XK nhóm mặt hàng điện tử, máy vi tính điện thoại và linh kiện cao, nhưng thực tế giá trị gia tăng đạt được lại thấp so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do ngành công nghiệp điện tử vẫn phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu. DN điện tử nội địa mới chỉ đóng góp một phần nhỏ vào kim ngạch XK bởi chủ yếu là gia công, lắp ráp cho các công ty nước ngoài.

 

Hiện phần lớn doanh nghiệp Việt Nam trong ngành đang gia công, lắp ráp sản phẩm dân dụng, chủ yếu là ti vi, đầu karaoke, tủ lạnh... với hình thức nhập linh kiện và lắp ráp để cung ứng cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ ở vùng sâu, vùng xa, vì không cạnh tranh được với các sản phẩm của nhiều hãng nước ngoài.

 

Hiện đã có một số DN điện tử Việt Nam cung cấp các linh kiện điện thoại, điện tử, đầu dây nối, USB... cho các DN FDI. Như Nokia đang sử dụng nguyên vật liệu từ khoảng 10 nhà cung cấp điện tử trong nước. Tuy nhiên, số lượng DN điện tử Việt Nam có đủ năng lực cung ứng linh kiện cho tập đoàn lớn của nước ngoài chưa nhiều.


Do đó, theo ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cho rằng, các DN điện tử Việt Nam nên cố gắng tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm linh kiện của các tập đoàn có thương hiệu và thị trường toàn cầu để nâng cao trình độ sản xuất và làm chủ công nghệ, tiến tới tạo được sản phẩm hoàn chỉnh với tỷ lệ nội địa hóa cao. Cụ thể, các DN Việt Nam phải có chiến lược đầu tư phát triển dài hơi, nguồn nhân lực tốt để tiếp cận công nghệ mới. Bên cạnh đó, phải quy hoạch lại các DN lắp ráp và DN hỗ trợ thành những DN chuyên nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao để tham gia chuỗi sản xuất hàng điện tử toàn cầu.


Ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, các DN Việt Nam cần chủ động liên doanh, liên kết hoặc trở thành DN vệ tinh cho những thương hiệu điện tử quốc tế. Nên xác định rõ những công đoạn nào hoặc những sản phẩm giá trị gia tăng nào mà mình có khả năng làm tốt, để có vị trí trong ngành công nghiệp điện tử khu vực và thu được nhiều lợi nhuận hơn. Hiện nay, tiềm năng thị trường mặt hàng điện tử trong nước rất lớn, do đó, bên cạnh việc chú trọng đến tăng trưởng XK còn phải chọn đúng phân khúc sản phẩm để phát triển thị trường tiêu thụ nội địa thì tăng trưởng mới bền vững.


T.Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN