Cơ hội hợp tác Mỹ - Iran sau thỏa thuận vũ khí hóa học Syria

Kế hoạch đặt các kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự giám sát quốc tế có thể thúc đẩy hợp tác giữa Iran và Mỹ nhằm tìm kiếm cách thức chấm dứt cuộc nội chiến Syria, đồng thời tạo cơ hội quý giá để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran kéo dài một thập kỷ qua.


Chìa tay cho nhau?


Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai tuyên bố rằng thỏa thuận trên không chỉ gợi mở cho vấn đề Syria mà cả cho vấn đề hạt nhân Iran. Tuy nhiên, ông Obama cũng cảnh báo Iran nên tránh suy nghĩ rằng Mỹ không tấn công quân sự nhằm vào chương trình hạt nhân của Tehran chỉ bởi vì Washington không đánh Syria.


 

Mỹ và Iran có cơ hội hợp tác giải quyết vấn đề hạt nhân.

 

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC ngày 15/9, ông Obama cho biết đối với Mỹ, chương trình hạt nhân của Iran là "một vấn đề lớn hơn nhiều" so với vấn đề vũ khí hóa học, đồng thời nhấn mạnh: "Iran không nên rút ra kết luận rằng chúng tôi đã không đánh Syria thì chúng tôi sẽ không đánh Iran. Mà ngược lại, điều mà họ nên rút ra là có khả năng giải quyết các vấn đề thông qua con đường ngoại giao".


Tiếp đó, hôm 16/9, Tổng thống Iran Hassan Rowhani đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận về vũ khí hóa học của Syria và cho rằng trọng tâm ngoại giao mới của Mỹ có thể giúp "khôi phục sự ổn định" cho Syria. Đồng thời, ông Rowhani cũng kêu gọi Mỹ từ bỏ sự hiện diện quân sự tại vùng Vịnh Arập. Ngày 17/9, Bộ Ngoại giao Iran cũng lên án ông Obama tiếp tục giữ lời đe dọa tấn công quân sự nhằm ép buộc Tehran hạn chế các hoạt động hạt nhân của mình.


Tuy nhiên, phía sau những lời tuyên bố cứng rắn, dường như hai bên đang chìa tay cho nhau. Ông Trita Parsi, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Iran - Mỹ (NIAC) và là chuyên gia về quan hệ ngoại giao giữa hai nước này, nhận định: "Đã có sự thay đổi trong giọng điệu của Washington, theo đó để ngỏ khả năng chấp nhận cho Iran tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Đây là điều cần thiết để chấm dứt cuộc nội chiến Syria... Và nếu vấn đề Syria tạo điều kiện cho Iran và Mỹ đàm phán trực tiếp, điều này chắc chắn sẽ giúp ích cho các cuộc đàm phán hạt nhân".


Vị thế của Iran


Hiện ông Rowhani đang mong muốn tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ với 6 cường quốc thế giới, trong đó có Mỹ. Dự kiến, các vòng đàm phán này sẽ được nối lại sau phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần tới. Tổng thống Iran và Tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu trước ĐHĐ LHQ trong cùng một ngày. Các quan chức Mỹ cho biết nguyên thủ hai nước không có kế hoạch gặp nhau bên lề cuộc họp, song các nhà quan sát không loại trừ khả năng diễn ra cuộc gặp không chính thức giữa hai người tại hành lang của LHQ. Nếu vậy, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hai nước kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.


Mặc dù đứng về phía bên kia trong cuộc xung đột Syria, song Iran chia sẻ mối quan tâm của Mỹ cũng như các nước Arập thù địch, không chấp nhận việc các nhóm phiến quân có liên hệ với mạng lưới khủng bố al - Qaeda lên nắm quyền tại quốc gia Trung Đông này. Vì lý do này và những lý do khác nữa, nhiều chuyên gia Iran cho rằng Tehran phải có vị trí tại Hội nghị Hòa bình Geneva 2 về Syria.


Lời phát biểu của Tổng thống Obama hôm 15/9 đã làm dấy lên khả năng Iran tham gia các cuộc đàm phán về Syria. Một nhà ngoại giao phương Tây từng công tác tại Tehran nhấn mạnh: "Đó sẽ là một động thái khôn ngoan vì Iran có các nguồn lực và ảnh hưởng tại Syria. Bạn không thể bỏ qua chúng. Hơn nữa, bạn không thể làm ngơ trước thực tế là từ năm 2001, Iran đã từng góp phần vào các thỏa hiệp dẫn đến việc thành lập một chính phủ mới ở Afghanistan sau cuộc xâm lược do Mỹ cầm đầu lật đổ chế độ Taliban".


Hữu Chiến (Theo Dân tộc)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN