Với mong muốn thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng của cha ông đi trước, cán bộ, hội viên cựu chiến binh trong toàn tỉnh đã tích cực đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền. Qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của mỗi thanh, thiếu niên trong học tập, lao động, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tri ân quá khứ
Trong không khí thi đua sôi nổi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Hội Cựu chiến binh thành phố Ninh Bình và Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh phối hợp với Trường Trung học phổ thông Lương Văn Tuỵ, thành phố Ninh Bình tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về kể chuyện lịch sử.
Tại buổi nói chuyện, các em học sinh được nghe kể về sự ra đời, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, những trận chiến đấu ác liệt, sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc và những câu chuyện đời thực của những người chiến sĩ cách mạng đã kiên cường anh dũng ngay cả khi bị giam cầm, tra tấn dã man trong nhà tù vẫn kiên trung với Đảng, bền bỉ đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc.
Là những người trực tiếp chiến đấu, cống hiến sức trẻ, xương máu cho nền độc lập, tự do của đất nước, bằng kiến thức, kinh nghiệm và những trải nghiệm thực tế, các cựu chiến binh đã chia sẻ, trò chuyện giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh, truyền thống anh hùng cách mạng của các thế hệ người dân Việt Nam trong đấu tranh xây dựng, bảo vệ đất nước cả trong chiến tranh và thời bình. Trong các buổi gặp gỡ, các cựu chiến binh cũng thông tin tình hình chính trị thời sự trong nước, quốc tế; lồng ghép các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh đã đạt được.
Theo cựu chiến binh Đinh Duy Điệp, Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Ninh Bình, việc nói chuyện truyền thống của Hội Cựu chiến binh là một cách học lịch sử khá hiệu quả. Thông qua các buổi nói chuyện về truyền thống cách mạng không chỉ “truyền lửa” yêu nước mà còn phát huy tinh thần xung kích của thanh niên cho thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của mỗi thanh niên trong học tập, lao động, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Là những nhân chứng lịch sử, đã trải qua các trận đánh có ý nghĩa lịch sử đặc biệt nên những câu chuyện của các cựu chiến binh có thể giúp thế hệ trẻ hiểu rõ về lịch sử qua những câu chuyện người thật, việc thật. Em Vũ Đức Hào Nam, học sinh lớp 12 Sử, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Tuỵ, thành phố Ninh Bình chia sẻ, được nghe các cựu chiến binh kể về cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc em cảm thấy rất xúc động và tự hào về công lao của các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh, cống hiến vì nền độc lập của dân tộc. Từ đó em thêm quý trọng cuộc sống hòa bình này và cố gắng học tập mỗi ngày, xứng đáng với công lao của các ông các bác ngày xưa.
Qua từng câu chuyện của những năm tháng xông pha trận mạc ở chiến trường, các cựu chiến binh đã trở thành người truyền ngọn lửa truyền thống, tạo thêm động lực để thế hệ trẻ không ngừng rèn luyện đạo đức, hăng say học tập.
Tiếp nối lịch sử
Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Hội cấp huyện, xã xây dựng kế hoạch giáo dục truyền thống một cách cụ thể; phối hợp các nhà trường, đoàn thể triển khai việc giáo dục truyền thống có hiệu quả; thường xuyên đổi mới phương thức truyền đạt, đặc biệt là triển khai đậm nét nhất vào dịp kỷ niệm những ngày lễ của đất nước nhằm tạo hứng thú cho thế hệ trẻ.
Các cấp Hội Cựu chiến binh trong toàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện giáo dục cho thế hệ trẻ. Mỗi đơn vị, địa phương có những cách thức, phương pháp tuyên truyền đa dạng, phong phú như: thông qua kể chuyện truyền thống, gặp mặt, nói chuyện với các nhân chứng lịch sử; tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, bảo tàng, các cơ sở của quân đội, lực lượng vũ trang; xây dựng các tiểu phẩm kể chuyện về anh hùng; tái hiện một số trận đánh tiêu biểu của quân đội và quê hương…
Khẳng định công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thanh, thiếu niên là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Hội Cựu chiến binh tỉnh đặc biệt quan tâm, ông Lê Đình Cược, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình cho biết, giáo dục cách mạng đã giúp thế hệ trẻ thêm hiểu biết sâu sắc về lịch sử đấu tranh gian khổ anh dũng và vinh quang của Đảng của dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Từ đó khiến thế hệ trẻ thêm tự hào trân trọng quá khứ, nhận rõ giá trị của cuộc sống hiện tại, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường có trách nhiệm với xã hội với tương lai dân tộc và kế tục xứng đáng với sự nghiệp cách mạng của cha anh đi trước.
Để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, thời gian tới, Hội Cựu chiến binh tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng Đoàn Thanh niên, ngành Giáo dục và Đào tạo đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ; nhân rộng các mô hình cựu chiến binh giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ...
Đi qua những năm tháng gian khổ của chiến tranh, giải phóng dân tộc trở về cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình đã và đang khơi nguồn trong giáo dục truyền thống cách mạng. Đồng thời, phát huy vai trò gương mẫu của hội viên cựu chiến binh với phương châm “Mỗi cựu chiến binh là một tấm gương sáng về việc học tập và làm theo lời Bác” cho thế hệ trẻ noi theo.