Bão chồng bão đổ vào Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới đã đổ bộ vào các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ (từ tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu) vào tối và đêm qua (6/11). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8.


Mưa lớn trên diện rộng


Tuy sức gió giật không mạnh bằng bão số 10, 11, nhưng áp thấp nhiệt đới này gây mưa trên diện rộng: từ khu vực Nam Bộ đến Tây Nguyên, thậm chí kéo ra cả Quảng Ngãi. Tính đến 13 giờ chiều qua, lượng mưa tại các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ phổ biến ở mức 40 - 100 mm; một số nơi có lượng mưa lớn hơn như Tuyên Hóa (Quảng Bình) 158 mm, A Lưới (Thừa Thiên - Huế) 152 mm, Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) 205 mm... Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ sáng sớm nay (7/11), vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió giật cấp 7.

 

Cán bộ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định liên lạc với tàu cá trên biển vào tránh, trú bão. Viết Ý- TTXVN

 

Các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận đề phòng nước dâng do mưa bão kết hợp với triều cường cao từ 2,5 - 4 m. Trong đợt mưa lũ này, mực nước trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận và Tây Nguyên sẽ lên cao. Mực nước các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận có khả năng lên báo động 2, có nơi trên báo động 2; đe dọa đến việc bảo đảm an toàn hồ chứa khu vực này.

 

Vào hồi 16 giờ hôm qua, bão Haiyan có vị trí ở khoảng 7,7 độ vĩ bắc và 137,2 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 14, 15, giật trên cấp 17. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc, với tốc độ khoảng 25- 30 km/giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Như vậy, khoảng đêm mai (8/11), cơn bão này có khả năng di chuyển vào Biển Đông.


Theo Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi), các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận đang ở mức 50 - 60% dung tích trữ thiết kế, một số hồ có mức trữ cao là Vạn Hội (Bình Định) 81%, Hoóc Răm (Phú Yên) 98%, Suối Trầu (Khánh Hòa) 88%, Tân Giang (Ninh Thuận) 86%. Các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên đã đầy nước; thậm chí một số hồ đang tràn tự do gồm Sông Quao (Bình Thuận), Đắk Uy (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai), Ea Kao (Đắk Lắk), Đạ Tẻ, Tuyên Lâm, Đạ Hàm (Lâm Đồng).

Năm 2013 lập kỷ lục về số cơn bão vào Biển Đông

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, còn gần hai tháng nữa mới hết năm 2013 nhưng hiện đã có 17 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, vượt xa mức dự báo cả năm (13 cơn) và phá vỡ kỷ lục năm 1964 (16 cơn).

Thông thường mỗi năm, nước ta cũng chỉ phải đón một cơn bão có sức gió mạnh cấp 12 trở lên, song năm nay đã có hai cơn (số 10 và 11) với sức gió giật cấp 17 nối tiếp nhau đổ bộ vào miền Trung. Khu vực tây bắc Thái Bình Dương năm nay cũng có kỷ lục mới với 31 cơn bão và áp thấp nhiệt đới dù gần hai tháng nữa mới hết năm, trong khi mọi năm chỉ có khoảng 28 cơn.

Lý giải về hiện tượng trên, ông Hải cho biết, các hiện tượng thời tiết có thể diễn ra theo chu kỳ, nhưng cũng có thể không vì về bản chất, khí hậu không có tính ổn định. Do đó, những hiện tượng bất thường có thể xảy ra, vượt ra ngoài tầm dự báo. Theo nhận định ban đầu, năm 2013 lập kỷ lục mới về số cơn bão vào Biển Đông và số cơn hoạt động tại khu vực tây bắc Thái Bình Dương là do hệ quả của hiện tượng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, để có thể đưa ra kết luận chính xác thì cần phải có những nghiên cứu, đánh giá về số liệu trong nhiều năm.


Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa - Vũng Tàu có 55 hồ chứa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; trong đó nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ như: Tôn Dung, Đá Bàn (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Mỹ Đức, Hội Khánh (Bình Định); Suối Lớn (Ninh Thuận); Nông Trường 4 (Bình Phước); Tà Mon, Tân Lập, Trà Tân (Bình Thuận). Các tỉnh Tây Nguyên có 51 hồ chứa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong đó nhiều hồ tiểm ẩn nguy cơ cao như: Đắk Hnia, Đắk Hniêng (Kon Tum), Đội 4, Hà Tam (Gia Lai), Đội 14 (Đắk Lắk), Thôn 2 (Lâm Đồng).


Hướng dẫn 83.000 tàu thuyền tìm nơi neo đậu


Theo Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, lực lượng biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 83.149 phương tiện/382.356 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Cụ thể: Từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu có 25.968 tàu thuyền/121.246 lao động; hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông và quần đảo Trường Sa (từ bắc vĩ tuyến 8 đến nam vĩ tuyến 15) có 427 phương tiện/6.701 lao động (so với ngày 5/11 giảm 478 tàu thuyền/5.049 lao động); và 56.754 phương tiện/254.409 người hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại các bến.


Ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, có 2 tàu bị chết máy thả trôi trên biển khu vực dưới vĩ tuyến 9 là KH96778 với 12 lao động và tàu BĐ95566/với 3 lao động. Một tàu hải quân đã được điều động đến khu vực tàu KH96778 để cứu nạn. Riêng tàu BĐ95566 đã được tàu của Bình Định hỗ trợ.


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN